Sóc Trăng là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dân số của tỉnh có hơn 1,3 triệu người; bao gồm 19 dân tộc thiểu số với gần 469.000 người (chiếm 35,76% dân số). Trong đó, riêng cộng đồng người Khmer chiếm 30,69% dân số. Do đó, nhiều yếu tố tiềm ẩn đã và đang đe dọa đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Các phần tử cực đoan và các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tổ chức một số hoạt động ngày càng công khai, trắng trợn nhằm chống phá khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáotrên địa bàn.
Nhận diện âm mưu, thủ đoạn
Những âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo trong cộng đồng người Khmer Sóc Trăng thời gian qua rất đa dạng, phong phú, vừa trực tiếp vừa gián tiếp, vừa trực diện vừa ẩn mình chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Một là, các thế lực thù địch thường xuyên sử dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do tôn giáo” để kích động tâm lý dân tộc hẹp hòi, tư tưởng cực đoan trong tôn giáo, dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc… để tạo dựng “ngọn cờ” nhằm lôi kéo, tập hợp sư sãi, phật tử Khmer kích động biểu tình, gây rối, phản đối chủ trương chính sách của địa phương.Từ đó hậu thuẫn số đối tượng này chống phá Đảng và Nhà nước ta, tạo cớ để kêu gọi sự can thiệp từ bên ngoài; kích động biểu tình, chống đối gây mất ổn định ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh, tạo ra những “điểm nóng” về dân tộc, tôn giáo làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội, gây nghi ngờ dẫn đến giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Hai là, tích cực truyền bá tư tưởng phản động, kích động đồng bào dân tộc Khmer đứng lên đòi quyền dân tộc tự quyết, đòi thành lập “Nhà nước Khmer Krom” tại vùng đất Nam bộ Việt Nam hướng tới ly khai, tự trị, độc lập.
Đây là một âm mưu rất sâu xa và lâu dài của các thế lực thù địch không chỉ “diễn biến hòa bình” trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng mà ở hầu hết các tỉnh Tây Nam bộ có người Khmer sinh sống.
Tại thị xã Vĩnh Châu, được sự hẫu thuẫn của KKF, nhóm Liêu Pâu, Sơn Tuôl, Thạch Sang… đã tìm cách chuyển tài liệu, bang đĩa từ Campuchia vào địa phương để phát tán, truyền bá trong đồng bào Khmer với những nội dung xấu, xuyên tạc về lịch sử vùng đất, kích động nhân dân nổi dậy đòi đất, gây bạo loạn…
Ba là, tìm mọi cách xuyên tạc lịch sử vùng đất, nguồn gốc tộc người của người Khmer để gây chia rẽ mất đoàn kết giữa các dân tộc Kinh - Hoa - Khmer.
Các thế lực thù và các phần tử cực đoan thường lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để móc nối chuyển tài liệu, băng, đĩa, nhất là tài liệu về Công ước nhân quyền của Liên Hiệp quốc vào trong tỉnh với những nội dung xuyên tạc về lịch sử vùng đất Nam Bộ, kích động người dân đòi đất; tổ chức biểu tình khi có điều kiện để đẩy nhanh tiến trình “quốc tế hóa”, “công khai hóa” vấn đề Khmer Nam Bộ.
Bốn là, lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách dân tộc để gây mâu thuẫn, tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của chính quyền.
Tên thực tế, công tác tuyên truyền, quản lý nhà nước của chính quyền ở một số nơi có biểu hiện chưa nghiêm, tạo khe hở để các phần tử xấu lợi dụng. Các thế lực thù địch thường tập trung vào những sai sót của Đảng và Nhà nước ta trong việc thực hiện các chính sách dân tộc, vấn đề bảo tồn văn hóa dân tộc và sự khó khăn trong cuộc sống của một bộ phận dân tộc thiểu số để kích động, lôi kéo đồng bào biểu tình, bạo loạn; thổi phồng các tranh chấp, khiếu kiện; tạo các "điểm nóng" về dân tộc, tôn giáo để qua đó vu khống chính quyền đàn áp đồng bào người Khmer, vi phạm dân chủ, nhân quyền nhằm chia rẽ dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là mối đoàn kết giữa ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer.
Năm là, tìm mọi cách để móc nối, mua chuộc, lôi kéo những những người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer để chống phá, kích động, gây bạo loạn.
Để hoạt động chống phá, chúng thường kết nối, câu móc với một số phần tử người Khmer đang sinh sống ở Sóc Trăng. Những đối tượng chúng thường nhắm vào hầu hết là trong giới sư sãi người Khmer, giới trí thức người Khmer, học sinh sinh viên người Khmer, số thanh niên đang lao động tại một số khu công nghiệp… để kích động, lôi kéo họ vượt biên sang Campuchia xin tị nạn chính trị. Đồng thời, “chúng đẩy mạnh lôi kéo, tài trợ, tuyển chọn sư sãi Khmer đưa ra nươc ngoài “đào tạo, huấn luyện” rồi đưa dần số này về nước tìm cách thay thế các vị cao tăng, chức sắc tiến bộ để chi phối hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer chống chính quyền”.
Sáu là, tuyên truyền xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước ta, vu cáo chính quyền đàn áp Phật giáo Nam tông Khmer, không cho người Khmer được thực hành nghi lễ, cài người giám sát hoạt động của sư sãi trong các chùa Khmer.
Chủ động, tích cực trong xử lý, đấu tranh chống âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo
Xuất phát từ tình hình thực tiễn của tỉnh Sóc Trăng, đặc biệt là khi xảy ra một số “điểm nóng” trên địa bàn tỉnh (tại chùa Trà Sết, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu năm 2013; tại chùa Prey Chóp, thị xã Vĩnh Châu năm 2013; vụ gây rối trật tự công cộng vào ngày 08/02/2007 tại thành phố Sóc Trăng…), Đảng bộ và chính quyền địa phương đã quán triệt nghiêm túc quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo một cách chặt chẽ, đúng pháp luật, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân và sự đồng thuận trong toàn xã hội.
Trong giải quyết các vấn đề có liên quan đến chức sắc, tu sĩ tôn giáo, cấp ủy đảng và chính quyền các cấp đã áp dụng phương châm “lấy tôn giáo để giải quyết vấn đề của tôn giáo”. Phương châm này hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh Sóc Trăng với đặc điểm có trên 30% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, chủ yếu theo Phật giáo Nam tông Khmer.
Các cơ quan chức năng của Tỉnh đã chủ động nắm bắt tình hình, giám sát đối tượng trọng điểm, phân tích đánh giá, nắm bắt được âm mưu, thủ đoạn và phương thức hoạt động của các thế lực, đối tượng chống phá. Từ đó kịp thời phát hiện, phối hợp đấu tranh làm vô hiệu hóa các âm mưu,hoạt động chống phá của các tổ chức, các thế lực thù địch.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng đã tham mưu cho chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể thành lập các tổ công tác, tổ chức tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân để họ nhận thức đúng những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, hội nhóm lưu vong bên ngoài, đặc biệt là tổ chức KKF nhằm chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Phật giáo Nam tông Khmer, sự an toàn của sư sãi. Qua đó, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Ban Quản trị các chùa, của bà con Phật tử.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo và người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, ngày 14/11/2022. Ảnh: Internet.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh
Để vô hiệu hóa mọi âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, trong thời gian tới, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với đồng bào dân tộc Khmer và tín đồ các tôn giáo. Triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo như: Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc; Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác tôn giáo; Chỉ thị số 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc; Luật tín ngưỡng tôn giáo…
Khi xảy ra các sự việc phức tạp, cần phải xác định nội dung, phương pháp và thời điểm tuyên truyền cho hợp lý. Kịp thời phổ biến về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và phản bác những luận điệu xuyên tạc, vu cáo đường lối chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, tuyên truyền về bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa; về lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo, tinh thần trách nhiệm của công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng.
Thứ hai, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Tiếp tục thực hiện bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, chống kỳ thị, chia rẽ giữa các dân tộc, tôn giáo; chống tư tưởng dân tộc hẹp hòi, cực đoan, tự ti, mặc cảm; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở các vùng dân tộc, tôn giáo, bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia. Đồng thời, tăng cường phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong vận động, tập hợp quần chúng; tích cực triển khai có hiệu quả việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ở từng địa phương; đề phòng và ngăn ngừa những biểu hiện tư tưởng, hành động cực đoan trong giải quyết vấn đề dân tộc, nhất là dân tộc Khmer trên địa bàn.
Thứ ba, cần nhận thức đầy đủ và dự báo được những diễn biến phức tạp của vấn đề dân tộc, tôn giáo. Thông qua đó tăng cường các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo chăm lo cho vấn đề dân tộc, tôn giáo. Quán triệt và thực hiện tốt Kết luận số 08, 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ đối với công tác vùng đồng bào dân tộc Khmer”, về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tôn giáo trong tình hình mới”,…
Thứ tư, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá của các thế lực thù địch. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên vạch trần âm mưu, thủ đoạn của chúng; đồng thời,vận động đồng bào tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không tin, không nghe kẻ xấu. Chủ động, kịp thời phát hiện, dập tắt mọi âm mưu, hành động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo kích động lôi kéo đồng bào tụ tập, gây bạo loạn. Khi xuất hiện điểm nóng, cần tìm rõ nguyên nhân, biện pháp giải quyết kịp thời, không để lan rộng, không để các thế lực thù địch ở bên ngoài lấy cớ can thiệp; xử lý nghiêm minh theo pháp luật những kẻ cầm đầu ngoan cố chống phá.
Thứ năm, xây dựng và phát huy vai trò của những người có uy tín, lực lượng nòng cốt, cốt cán trong đồng bào dân tộc và các tín đồ tôn giáo. Đặc biệt, phát huy vai trò của Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh và các Chi hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tại các huyện, thị, thành phố. Thông qua vai trò của các Hội này có thể tạo được sự chuyển biến tích cực trong giới sư sãi, Ban quản trị và bà con Phật tử.
Thứ sáu, chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từng tôn giáo trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ “sống tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ bảy, củng cố hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên ở vùng có đồng bào dân tộc, tôn giáo. Đặc biệt, phát huy mạnh mẽ vai trò trách nhiệm của Ban chỉ đạo 35 tỉnh trong công tác đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; tiếp tục kiện toàn các lực lượng đấu tranh, tổ chức các hoạt động đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ là người dân tộc Khmer, người theo Phật giáo Nam tông Khmer. Đổi mới công tác dân vận vùng dân tộc, tôn giáo theo phương châm: chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, vững chắc.
Tác giả: Thanh Sang - Ngọc Minh
Nguồn tin: thinhvuongvietnam.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn