Lịch sử phát triển

   1. Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng - Lịch sử hình thành và phát triển

   Thực hiện theo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng về tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tháng 02/1947 trường Mác - xít được thành lập tại Đình Rạch Giồng, xã An Thạnh Nhì, huyện Long Phú (nay là thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) là tiền thân của Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng ngày nay. Đến năm 1950, Trường đổi tên thành Trường Lê Văn Sĩ. Ra đời trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai, mặc dù phải di dời qua nhiều địa điểm khác nhau, thay đổi tên Trường và nhiều lãnh đạo[1], nhiều hy sinh nhưng Trường vẫn quyết tâm thực hiện nhiệm vụ mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

   Sau tháng 7/1954, tại tỉnh Sóc Trăng chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành khủng bố chống phá phong trào cách mạng làm nhiều cán bộ, đảng viên hy sinh, việc bồi dưỡng cán bộ, đảng viên cũng đã bị ảnh hưởng rất lớn. Đến cuối năm 1960, Tỉnh ủy Sóc Trăng quyết định xây dựng lại Trường nhưng trước tình hình địch đánh phá, càn quét quyết liệt, Trường có lúc tập trung, có lúc phân tán xuống các địa phương và phải liên tục di dời ở nhiều địa điểm khác nhau, đồng thời cũng thay đổi tên và người lãnh đạo. Trong điều kiện kháng chiến vô cùng khó khăn, nhưng Trường đã liên tục mở được nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về đường lối, quan điểm của đảng góp phần trong sự nghiệp giải phóng quê hương Sóc Trăng.

   Tháng 4/1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Trường bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ mới là mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn chỉ thị, Nghị quyết của Đảng cho cán bộ, đảng viên trong tỉnh. Đến tháng 02/1976, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Cần Thơ và thành phố Cần Thơ hợp nhất thành tỉnh Hậu Giang, Trường Đảng Lê Hồng Phong tỉnh Sóc Trăng và Trường Đảng Châu Văn Liêm tỉnh Cần Thơ sáp nhập lại và lấy tên Trường Lý luận chính trị tỉnh Hậu Giang (còn được gọi là Trường Đảng tỉnh Hậu Giang). Sau 16 năm sáp nhập, đến tháng 4/1992, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, tỉnh Hậu Giang đ­ược chia thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng, Tr­ường Lý luận chính trị tỉnh Hậu Giang đư­ợc đổi thành Trường Lý luận chính trị tỉnh Sóc Trăng và sau đó được tiếp tục đổi thành Trường Đào tạo cán bộ tỉnh Sóc Trăng. Năm 1994, Thực hiện Quyết định số 88-QĐ/TW, ngày 05/9/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII về thành lập trường chính trị cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trường Đào tạo cán bộ tỉnh Sóc Trăng được đổi tên thành Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng trực thuộc Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Thực hiện theo Quy định 09-QĐ/TW, ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thì nay Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy Sóc Trăng, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng.

   Trải qua quá trình hình thành và phát triển, tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên Trường Chính trị Sóc Trăng luôn nỗ lực phấn đấu, đồng lòng, đồng sức, chung tay thực hiện đầy đủ các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của cấp ủy và chính quyền các cấp, bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, không ngừng phấn đấu, xây dựng và phát triển, trở thành địa chỉ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có chất lượng của tỉnh Sóc Trăng.
   2. Thành tựu trong các lĩnh vực công tác chủ yếu
   2.1. Về đào tạo, bồi dưỡng
   * Giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc (tháng 02/1947- 4/1975)
   Ra đời và trải qua trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, có nhiều hy sinh, mất mát, phải di dời qua rất nhiều địa điểm khác nhau, thay đổi nhiều lần tên Trường và người lãnh đạo, nhưng Trường vẫn bám sát nhiệm vụ và thực hiện theo sự lãnh đạo, chỉ đạo đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ cho nhiều thế hệ cán bộ phục vụ cho kháng chiến. Cụ thể: Trường đã đào tạo, bồi dưỡng gần 5.000 người. Qua học tập, đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa được trang bị, củng cố quan điểm lập trường, vừa có năng lực hoạt động cách mạng; vừa làm công tác đảng, chính quyền, đoàn thể, vừa còn bổ sung vào lực lượng vũ trang, chấp hành tuyệt đối mệnh lệnh “đi mọi nơi, đến mọi chỗ”, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc quyết sinh. Chính lực lượng này đã góp phần vào thắng lợi chung của công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

   * Giai đoạn đất nước thống nhất đến khi tái lập tỉnh Sóc Trăng (4/1975 - 4/1992)
   Sau ngày đất nước thống nhất đến năm 1992, mặc dù rất khó khăn về nhiều mặt, như­ng dưới sự lãnh đạo của và tạo điều kiện của Tỉnh ủy, sự hỗ trợ của các đơn vị, ban ngành tỉnh. Trư­ờng đã mở đu­ợc trên 50 lớp bồi d­ưỡng cho trên 10.900 lư­ợt cán bộ, đảng viên; mở 08 lớp trung cấp lý luận chính trị và cấp bằng tốt nghiệp cho gần 1.600 học viên là cán bộ, đảng viên chủ chốt ở cơ sở. 

   * Giai đoạn từ khi tái lập tỉnh Sóc Trăng đến ngày nay (4/1992 - 6/2024)
   Đây là giai đoạn các công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được tăng cường về nhiều mặt. Hệ thống quy định, hướng dẫn, chương trình, nội dung đào tạo bồi dưỡng ngày càng hoàn thiện, cụ thể, thiết thực. Hơn 30 năm tái lập, công tác đào tạo, bồi dưỡng ở Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng với nhiều hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng với nhiều loại hình. Hiện nay, Trường Chính trị Sóc Trăng có đủ khả năng đào tạo, bồi dưỡng nhiều loại chương trình khác nhau: Đào tạo Trung cấp lý luận chính trị; Bồi dưỡng lãnh đạo quản lý cấp phòng; Bồi dưỡng ngạch Chuyên viên, Chuyên viên chính; bồi dưỡng cập nhật kiến thức một số chức danh… đến nay đã có hơn hơn 14.840 cán bộ, công chức, viên chức tham gia học tập và được cấp bằng tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị, cho gần 15.140 học viên cấp bằng cao cấp lý luận chính trị. Về bồi dưỡng, Trường đã tổ chức bồi dưỡng và phối hợp mở các lớp bồi dưỡng ngạch cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính; bồi dưỡng theo chức danh; bồi dưỡng cập nhật kiến thức... cho hơn 70.500 lượt cán bộ, công chức, viên chức học tập. Ngoài ra, nhà trường phối hợp với các đơn vị: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính quốc gia, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Chính trị Khu vực IV mở các lớp cao cấp lý luận và cao học.

   Với kết quả đạt được của công tác đào tạo, bồi dưỡng đã góp phần rất quan trọng vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Những học viên của nhà trường sau khi hoàn thành khóa học thực sự đã mang kiến thức được đào tạo trở về địa phương, đơn vị, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và kiến thiết quê hương.

   2.2. Trong hoạt động nghiên cứu khoa học
   Từ sau tái lập tỉnh (1992) đến nay, Tr­ường đã thực hiện 04 đề tài khoa học cấp tỉnh; biên soạn 07 giáo trình và tập bài giảng phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng trong tỉnh và hiện đang tiếp tục triển khai 02 đề tài khoa học cấp tỉnh... Bên cạnh đó đội ngũ viên chức của Trường còn tích cực trong việc nghiên cứu khoa học: đề tài khoa học cấp cơ sở, viết bài đăng website, tập san “Thông tin lý luận và thực tiễn”, tạp chí quốc tế, báo địa phương, tọa đàm, hội thảo cấp cơ sở của Trường, trong và ngoài tỉnh… Có thể nhận định rằng công tác nghiên cứu khoa học của Trường trong 05 năm gần đây, dần đi vào nền nếp, chất lượng được nâng lên, các “diễn đàn” cho hoạt động khoa học ngày càng phong phú các công trình nghiên cứu có tính lý luận và thực tiễn góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trường.
   
   2.3. Về đội ngũ cán bộ, viên chức và cơ sở vật chất

   Cùng với nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng, số lượng và chất lượng cán bộ, giảng viên, chuyên viên của nhà trường ngày càng được nâng cao. Hơn 75 hình thành và phát triển, đội ngũ cán bộ, viên chức của nhà trường hiện tại có có 43 người, trong đó trình độ chuyên môn: Có 07 tiến sĩ, 03 đang Nghiên cứu sinh, 33 thạc sĩ, có 04 đại học; Về trình độ lý luận chính trị: Cao cấp lý luận chính trị 25 đồng chí, trung cấp lý luận chính trị 14 đồng chí và có 27 giảng viên, có 23/27 giảng viên giữ chức danh giảng viên chính.
Thành lập trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp lần thứ hai. Sau thời gian xây dựng và phát triển được sự quan tâm, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, cơ sở vật chất của Trường liên tục được nâng cấp và hiện đại hóa, đáp ứng cơ bản yêu cầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong điều kiện mới. Với diện tích 45.000 m2 hệ thống cơ sở vật chất, các trang thiết bị của nhà trường cơ bản, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh. Hiện tại Trường có: 01 khu hiệu bộ làm việc, 01 hội trường 400 chỗ, 01 hội trường 250 chỗ, 14 hội trường có sức chứa từ 80 đến 150 chỗ, 01 thư viện; 02 nhà nghỉ giảng viên; 3 dãy ký túc xá học viên (187 phòng, có sức chứa trên 500 người), có 01 nhà ăn (có sức chứa 200 chỗ), 01 căn tin và 01 sân bóng đá mini; hệ thống sân, đường, cây xanh được nâng cấp, cải tạo ngày càng khang trang, sạch, đẹp… trang thiết bị đảm bảo phục vụ tốt công tác giảng dạy và học tập của cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên.

   2.4. Về khen thưởng
   Hơn 75 năm qua, với truyền thống đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể, Nhà trường đã đào tạo được nhiều thế hệ học viên vừa “hồng” vừa “chuyên”, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của từng thời kỳ lịch sử, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của quê hương, đất nước. Tập thể cán bộ, viên chức của Trường vinh dự được Đảng, Nhà nước, UBND tỉnh Sóc Trăng trao tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất (2007), Huân chương lao động hạng Nhì (2002), Huân chương Lao động hạng Ba (1996); 06 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, 02 cá nhân được huân chương lao động hạng Nhì, có 01 cá nhân được danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc, 01 tập thể Khoa và 16 cá nhân được Thủ Tướng Chính phủ tặng Bằng khen và nhiều cá nhân được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

   Như vậy, Trường Chính trị Sóc Trăng, tiền thân là Trường Mác - xít tỉnh Sóc Trăng, hay còn có tên gọi là Trường Đảng Sóc Trăng, có quá trình hình thành và phát triển gắn liền với nhu cầu trang bị lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước cho cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu cách mạng giải phóng dân tộc nói chung và giải phóng Nhân dân tỉnh Sóc Trăng nói riêng.
 
   Quá trình hình thành và phát triển của Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng là quá trình hình thành và phát triển của đội ngũ cán bộ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị của Nhà trường và cán bộ viên chức chuyên môn. Mặc dù trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, Trường Chính trị vẫn từng bước phát triển và hoàn thiện; đội ngũ cán bộ, giảng viên không không ngừng nâng cao chất lượng và số lượng Trường đã đem lại niềm tin thật sự, là nơi đào tạo, bồi dưỡng cho các cán bộ, đảng viên của tỉnh nhà. Kế thừa truyền thống vẻ vang hơn 75 năm xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức Trường chính Trị tỉnh Sóc Trăng quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xứng đáng với truyền thống lịch sử vẻ vang của Trường.

 
[1] Năm 1949, Trường dời quận Châu Thành; Năm 1950 dời về Kinh Xáng Cụt, xã Mỹ Phước. Tháng 2/1947 đến 2/1950, đ/c Đỗ Đình Nhẫn TUV làm giám đốc; Tháng 2/1950 đến 11/1953, đ/c Trà Văn Tốt, UVBTV TU làm giám đốc; Tháng 11/1953 đến 7/1954 đ/c Phan Đức Phó Bí thư Tỉnh ủy làm giám đốc; Năm 1958 đến năm 1960, đ/c Nguyễn Sấn (Bảy Nóp) UVBTV TU phụ trách Trường.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thăm dò ý kiến

Điểm thi học phần của học viên:

Thống kê
  • Đang truy cập327
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm317
  • Hôm nay57,532
  • Tháng hiện tại2,233,166
  • Tổng lượt truy cập3,562,033
Tủ sách TBT Nguyễn Phú Trọng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Học viện Hành chính Quốc gia
Học viện ctkv4
Dịch vụ công quốc gia
Tỉnh ủy Sóc Trăng
Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng
Quản lý văn bản
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi