Một số giải pháp đẩy mạnh công tác phát triển đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng


1. Những kết quả cụ thể đã đạt được trong thời gian qua

     Nhận thức rõ việc xây dựng đội ngũ CBCC người dân tộc Khmer là vấn đề quan trọng, ngày 22-01-2008, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 07-KH/BTCTU về “Quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc Khmer của tỉnh Sóc Trăng đến năm 2015”. Hằng năm, UBND tỉnh cũng đều ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCC của tỉnh, trong đó rất chú trọng đến đội ngũ CBCC là người Khmer. Song song đó, tỉnh cũng rất quan tâm đến công tác quy hoạch, tuyển chọn đội ngũ CBCC là người Khmer nói chung và đội ngũ CBCC lãnh đạo, quản lý là người Khmer nói riêng ở các địa phương.

     Trên cơ sở quy định của Trung ương, tỉnh đã cụ thể hóa các tiêu chuẩn, chức danh trong tuyển dụng, quy hoạch CBCC là người Khmer để phù hợp với từng địa phương. Vì vậy, tỷ lệ CBCC là người dân tộc Khmer so với tổng số CBCC toàn tỉnh đã dần được nâng lên. Theo số liệu thống kê, trong nhiệm kỳ 2010-2015, toàn tỉnh có khoảng 973 CBCC người dân tộc Khmer tham gia cấp ủy đảng và Hội đồng nhân dân các cấp, với 73/109 xã, phường, thị trấn có đảng viên là người Khmer. Hiện tại, tỉnh Sóc Trăng có 01 đồng chí người dân tộc Khmer là Đại biểu Quốc hội; 692 đại biểu tham gia Hội đồng nhân dân các cấp; CBCC là người dân tộc người Khmer giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý là 251 đồng chí; ở cấp xã, công tác quy hoạch, phát triển đội ngũ đảng ủy viên cấp xã là người Khmer cũng được củng cố và ngày càng tăng cường, hiện tại số lượng đảng ủy viên người Khmer ở các xã có đông đồng bào Khmer đã có gần 180 đồng chí. Trong đó có 20 đồng chí giữ chức vụ Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; 12 đồng chí giữ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân; 16 đồng chí giữ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân,.. v.v; qua đợt tổ chức Đại hội Đảng bộ, Chi bộ cơ sở nhiệm kỳ 2015– 2020 tỉnh cũng đã bầu được gần 12% cấp ủy viên là người Khmer.

    Trong những năm gần đây, công tác đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức đã được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng quan tâm sâu sát, bám sát vào nội dung Quyết định số: 1557/QĐ-TTg, ngày 18/10/2012 của Thủ tướng Chính Phủ về “phê duyệt đề án đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức”; góp phần nâng cao vai trò, nhận thức của chính quyền, đoàn thể trong quá trình thực thi công vụ, tiến tới xây dựng một nền hành chính ở địa phương thật sự chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch và hiệu quả. Qua đó, đội ngũ CBCC người dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh ngày càng được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có ý thức tổ chức, kỷ luật, gắn bó mật thiết với nhân dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Nhiều CBCC là người dân tộc Khmer có sự cầu thị, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu trong công tác và học tập, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương.

2. Những hạn chế cần khắc phục

    Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác phát triển đội ngũ CBCC là người dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh hiện tại vẫn còn một số bất cập nhất định:

    Thứ nhất, việc bố trí, sử dụng đội ngũ CBCC là người Khmer chưa thật sự phù hợp. Đa số CBCC là người Khmer có xu hướng tham gia công tác tập trung chủ yếu ở các cơ quan khối đảng, các tổ chức chức chính - xã hội, đoàn thể nên ít tham gia công tác ở các cơ quan hành chính; Tuổi đời của CBCC người Khmer ngày càng được trẻ hóa, đội ngũ này rất nhiệt tình, năng nổ nhưng lại còn ít kinh nghiệm trong công tác thực tiễn ở địa phương. 

    Thứ hai, mặc dù trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị của đội ngũ CBCC người dân tộc Khmer tuy được nâng lên nhưng vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Thêm vào đó, nhiều CBCC được cử đi học (hoặc tự học nâng cao trình độ) “chéo ngành” là chuyện rất phổ biến, điều này sẽ kéo theo sự khó khăn, phức tạp trong việc bố trí, điều chỉnh nhân sự của các địa phương trong tỉnh trong thời gian tới.

    Thứ ba, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ CBCC người Khmer chưa có sự phối hợp tốt giữa các cấp, các ngành dẫn đến hiệu quả đạt được chưa cao, chưa đáp ứng được một cách tốt nhất yêu cầu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã đề ra.

3. Một số giải pháp, kiến nghị trong thời gian tới

    Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và phát triển đội ngũ CBCC là người dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới cần tiếp tục tập trung vào một số giải pháp sau:

    Một là, tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Khmer, như: Chỉ thị 68-CT/TW ngày 18-4-1991 của Ban Bí thư TW Đảng về công tác ở vùng đồng bào Khmer; Thông báo số 67/TB-TW, ngày 14-3-2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer; Kết luận số 28/KL-TW ngày 14-8-2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2011 – 2020;...vv. Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng cần tiếp tục có những định hướng phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC là người Khmer trên địa bàn tỉnh.

     Hai là, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách đối với đội ngũ CBCC là người dân tộc Khmer. Các quy định về mặt thể chế quản lý đối với CBCC là người Khmer phải được thực thi kịp thời hơn, nhằm phát huy được hết khả năng có thể của CBCC là người dân tộc Khmer trong quá trình công tác. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường các cơ chế, chính sách ưu tiên liên quan đến đội ngũ CBCC là người Khmer như: các chính sách về tuyển chọn, bố trí sử dụng, đánh giá, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,..v.v.

    Ba là, đổi mới công tác quy hoạch, tạo nguồn đối với đội ngũ CBCC người dân tộc Khmer. Cần tiếp tục rà soát, bổ sung, quy hoạch CBCC là người Khmer từ cơ sở đến cấp huyện, cấp tỉnh; đặc biệt là các chức danh chủ chốt ở các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống. Công tác lựa chọn nguồn CBCC để đưa vào quy hoạch phải được thực hiện mở rộng; thực hiện tốt việc xây dựng quy hoạch mang tính đồng bộ đối với nguồn CBCC đương chức và nguồn CBCC mới được bổ sung; Tiếp tục tăng cường thu hút đội ngũ trí thức trẻ, sinh viên mới tốt nghiệp là người Khmer có đủ năng lực, phẩm chất bố trí vào một số chức danh phù hợp nhằm trẻ hóa và từng bước xây dựng đội ngũ CBCC là người Khmer có chất lượng ổn định, lâu dài. Ngoài ra, cần mở rộng ngành, nghề đào tạo phù hợp ở các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, các trường, lớp nội trú cho con em đồng bào dân tộc Khmer để tạo nguồn CBCC người dân tộc Khmer.

    Bốn là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng thực thi công vụ cho đội ngũ CBCC người Khmer: trước hết cần xác định lại một cách rõ ràng mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng. Cần phải tạo sự chuyển biến sâu sắc trong công tác đào tạo bồi dưỡng CBCC người dân tộc Khmer theo quy hoạch, theo tiêu chuẩn chức danh, chú trọng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu trong thực hiện chiến lược cán bộ của tỉnh trong giai đoạn mới. Vấn đề cốt lõi của việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCC người Khmer là phải đổi mới nội dung chương trình, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với điều kiện công tác thực tiễn của vùng có đông đồng bào dân tộc. Cần quán triệt phương châm gắn lý thuyết với thực tiễn, học đi đôi với hành, đảm bảo hiệu quả thiết thực. Chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng phải kết hợp trang bị kiến thức nghiệp vụ, kiến thức pháp luật với việc nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, đặc biệt là kỹ năng thực hành.

    Năm là, tạo động lực và điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi cho đội ngũ CBCC người dân tộc Khmer. Để tạo động lực làm việc cho đội ngũ này thì cần phải đảm bảo một hệ thống tiền lương khoa học, hợp lý; đảm bảo phân công công việc phù hợp với khả năng, năng lực và sở trường; xác định rõ ràng mục tiêu cần đạt được của từng cá nhân và tạo cơ hội thăng tiến trong công tác./.

Tài liệu tham khảo:
1. Kết luận số 28/KL-TW, ngày 14-8-2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2011 – 2020.
2. Tỉnh ủy Sóc Trăng, Kế hoạch số 07-KH/BTCTU về “Quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc Khmer của tỉnh Sóc Trăng đến năm 2015.
3. Hà Thị Thùy Dương, Công tác tổ chức tại các Đảng bộ xã có đông đồng bào Khmer ở một số tỉnh Tây Nam Bộ, Tạp chí Mặt trận, tháng 3 năm 2015.
 
 

Tác giả bài viết: Trương Thế Nguyễn