Một số điểm mới của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật tổ chức chính quyền địa phương


     Căn cứ Hiến pháp năm 2013, nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và các chủ trương, định hướng của Đảng về chính quyền địa phương. Ngày 19/6/2015 tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII với tỷ lệ phiếu tán thành là 85,22% đã thông qua Luật tổ chức chính quyền địa phương (luật 2015). Luật gồm 8 chương và 143 điều, tăng 2 chương và 3 điều so với Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003.

     Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 ra đời đã góp phần hiệu quả trong công cuộc cải cách hành chính, tạo sự chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trên cơ sở xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương… Tuy nhiên, với những kết quả đạt được, sau quá trình thực hiện Luật cũng đã phát sinh những bất cập cần khắc phục; đồng thời cũng nhằm đảm bảo thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chính từ yêu cầu trên, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính quyền địa phương (Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2020) với những nội dung cơ bản và một số điểm mới sau:

     1. Phạm vi điều chỉnh: Luật sửa đổi, bổ sung 38/143 điều.

     2. Tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính:

     - Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2019 sửa quy định “Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân” thành “Chính quyền địa phương được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.” (tại khoản 1 Điều 2)

     - Về tổ chức chính quyền địa phương ở quận và phường (Điều 44 và Điều 58) sửa đổi, bổ sung theo hướng chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương có HĐND và UBND, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương để phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý của từng đô thị.

     - Về trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện ở hải đảo (Điều 72) và tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (Điều 75) cũng có sự thay đổi cụ thể.

     3. Về tổ chức HĐND

     - Bổ sung thêm 01 tiêu chuẩn của đại biểu HĐND: Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam (Khoản 1 a Điều 7).

     - Giảm số lượng phó chủ tịch HĐND tỉnh, huyện

     + Đối với HĐND tỉnh: Trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì có 01 Phó Chủ tịch HĐND. Trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách thì có 02 phó Chủ tịch HĐND.

     Tương tự số lượng Phó chủ tịch HĐND, đối với các phó ban HĐND thì trường hợp Trưởng ban hoạt động chuyên trách thì có 1 phó ban. Trường hợp Trưởng ban hoạt động không chuyên trách thì có 02 phó ban. (Khoản 2, 3 Điều 18)

     Ngoài ra, Luật cũng bỏ quy định Chánh Văn phòng trong Thường trực HĐND cấp tỉnh.

     + HĐND huyện: Luật 2015 quy định có 02 Phó Chủ tịch HĐND nhưng Luật 2019 quy định chỉ có 01 Phó Chủ tịch HĐND huyện hoạt động chuyên trách. (Khoản 2, Điều 25)

     4. Về phân cấp, phân quyền, ủy quyền (Điều 11, 12, 13, 14)

     Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2019 đã quy định rõ khi thực hiện phân quyền, phân cấp phải gắn phân quyền với phân cấp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm các điều kiện cụ thể về ngân sách, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác cho các địa phương; quy định cụ thể hơn các chủ thể được thực hiện ủy quyền; trách nhiệm của các cơ quan khi thực hiện ủy quyền và các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền. Đồng thời, quy định mới cũng tránh việc phân cấp, ủy quyền tràn lan, làm giảm hiệu lực quản lý trong thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

     5. Tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn

     Số lượng Phó chủ tịch UBND xã loại II sẽ có không quá 02 người, đã được tăng thêm 01 người so với quy định hiện hành. Cụ thể quy định tại Điều 34: “Ủy ban nhân dân xã loại I, loại II có không quá hai Phó Chủ tịch; xã loại III có một Phó Chủ tịch.”

     Ngoài ra, Luật mới còn quy định điều chỉnh giảm số lượng đại biểu HĐND và thay đổi số lượng thành viên thường trực HĐND tỉnh, huyện, xã. Hay không còn khái niệm họp bất thường trong hoạt động của HĐND và UBND mà thay vào đó sẽ là họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất.

Tác giả bài viết: Minh Trang – Khoa NNPL