Tổ chức và quản lý lễ hội truyền thống ở tỉnh Sóc Trăng trong thời gian qua – Những bất cập, hạn chế và giải pháp



Khai mạc đua nghe gho tỉnh Sóc Trăng năm 2019
Nguồn ảnh: http://truyenhinhdulich.vn/tin-tuc/soc-trang-to-chuc-le-hoi-ooc-om-boc-dua-ghe-ngo-nam-2019-11467.html
 
   Mùa xuân - mùa khởi đầu cho một năm, mùa sinh sôi nảy nở của vạn vật, cỏ cây...Giữa tiết trời ấm áp ấy, lòng người phơi phới rủ nhau đi hội, hành hương về cội nguồn, vui chơi và cầu mong cho mùa màng tốt tươi, con người hạnh phúc.
 
   Từ bao đời nay, cứ mỗi độ xuân về, trên khắp các nẻo đường quê, phum sóc Sóc Trăng những sinh hoạt lễ hội cổ truyền lại được tưng bừng khai mở; nhất là tháng giêng âm lịch - tháng của lễ hội. Lễ hội là dịp tái hiện truyền thống lịch sử và ánh lên ý thức tình cảm của những người con Sóc Trăng về cội nguồn dân tộc. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, nhiều lễ hội được phục hồi và phát triển. Khá nhiều đình đền, chùa chiền được tu bổ. Người đến với lễ hội ngày một đông, nhiều hình thức lễ hội mới đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của cả cộng đồng… Lễ hội được tổ chức tốt sẽ phát huy tác dụng tích cực, tạo sự gắn bó trong cộng đồng dân cư, bồi đắp ý thức về truyền thống, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân và góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc...

   Sóc Trăng là mái nhà chung của cộng đồng 03 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa sinh sống cộng cư với nhau, với số dân trên 1,3 triệu người, trong đó người Kinh chiếm khoảng 65%, người Khmer chiếm khoảng 29,5% và người Hoa khoảng 5,5%. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển vùng đất Sóc Trăng, 03 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa đã kề vai sát cánh, chia sẻ ngọt bùi trong lao động sản xuất, trong đấu tranh chống áp bức, bất công, chống giặc ngoại xâm, trong xây dựng và bảo vệ quê hương.

   Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc sắc, riêng biệt. Trong quá trình sinh sống cộng cư lâu năm, đã có sư giao thoa về văn hóa giữa các dân tộc. Sự giao thoa này đã kéo dài trên 300 năm. Chính điều đó đã tạo nên bản sắc văn hóa vô cùng độc đáo, tạo nên sự phong phú, đa sắc màu lễ hội của người dân tỉnh Sóc Trăng. Trong đó, phải kể đến một số lễ hội đặc trưng như: Lễ hội Cúng Phước Biển vào dịp 14-15 tháng 2 âm lịch; Lễ hội Thak-Côn (Châu Thành) vào 14-15 tháng 3 âm lịch; Lễ hội Nghinh Ông  (Trần Đề) vào dịp 20-21 tháng 3 âm lịch; Lễ hội Sông nước miệt vườn (cồn Mỹ Phước, Kế Sách) vào dịp Tết Đoan ngọ (từ ngày mùng 03-05 tháng 5 âm lịch); lễ cúng đình; lễ đông chí; tết hàn thực; tết nguyên tiêu; Chol Chnam Thmay; dâng bông; Đôn-ta; Ok om bok...

   Những bất cập, hạn chế trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội ở Sóc Trăng thời gian qua:

   Những năm qua, công tác tổ chức và quản lý hoạt động lễ hội ở Sóc Trăng có nhiều chuyển biến tích cực. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở tỉnh đã quan tâm nhiều mặt tới hoạt động có ý nghĩa này. Vì thế, lễ hội hội đã những tác động tích cực đến mọi mặt đời sống của người dân Sóc Trăng: Kích thích phát triển kinh tế xã hội của địa phương; Đáp ứng được nguyện vọng của quần chúng nhân dân ở tỉnh; người dân góp phần trong quá trình sáng tạo nên đời sống văn hóa của chính mình; Tăng tình đoàn kết cộng đồng, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa; Người dân ý thức về việc giữ gìn di sản… Tuy nhiên, qua nghiên cứu số liệu báo cáo gần đây và khảo sát thực tế khi thực hiện bài viết này, người viết nhận thấy công tác tổ chức và quản lý lễ hội ở Sóc Trăng còn nhiều bất cập, tồn tại và hạn chế

   Thương mại hóa lễ hội: thương mại hóa thái quá lễ hội trở thành vấn đề được xã hội quan tâm. Lý do chính là việc quá chạy theo đồng tiền mà bất chấp những hậu quả tiêu cực có thể tác động đến lễ hội- với tư cách một hiện tượng văn hóa tín ngưỡng. Chẳng hạn nhiều người lợi dụng việc tổ chức lễ hội truyền thống để kiếm lợi bằng cách kinh doanh các loại hình dịch vụ ăn theo lễ hội như ăn, nghỉ, bán hàng thu tiền với giá quá đắt, quảng cáo tràn lan, buôn thần bán thánh… Thực trạng này không chỉ tồn tại ở các lễ hội có qui mô lớn, mà còn len lỏi đến lễ hội nhỏ ở  nhiều vùng quê của tỉnh Sóc Trăng.

   Thực ra, thương mại hóa lễ hội chưa chắc đã trở thành vấn đề đối với việc quản lý lễ hội nếu nó không vượt ngưỡng một cách thái quá. Chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, lễ hội, khuyến khích các địa phương lấy di tích nuôi di tích, lấy lễ hội nuôi lễ hội. Tuy nhiên, huy động nguồn lực kinh tế từ mọi thành phần trong xã hội không đồng nghĩa với việc các lễ hội truyền thống bị biến dạng, không giữ được bản sắc vốn có của nó.

   Mê tín dị đoan: Mê tín (…) là người bạn song hành của tín ngưỡng. Dù không thể khẳng định rằng còn lễ hội truyền thống thì còn mê tín dị đoan, nhưng chắc chắn, trong việc quản lý lễ hội truyền thống, vấn đề hạn chế mê tín dị đoan luôn cần đặt ra. Qua thời gian, tệ nạn mê tín dị đoan không những không biến mất cùng với các biện pháp quản lý hành chính mà ngày càng trở nên trầm trọng hơn trên địa bàn tỉnh với việc bùng nổ trở lại của hiện tượng lên đồng hay đốt vàng mã tràn lan. Dù ngành văn hóa thông tin đã có những chế tài cho việc xử lý các vi phạm này qua nghị định xử phạt hành chính các hành vi vi phạm trong hoạt động văn hóa thông tin, nhưng xem ra, những hoạt động này khó có khả năng giảm đi trong những năm sắp tới.

   Một số hủ tục phục hồi: Phục hồi các lễ hội truyền thống thường gắn liền với việc phục hồi những lệ, tục đã gắn bó với cộng đồng 3 dân tộc anh em ở Sóc Trăng từ lâu đời. Lễ hội truyền thống được mở đồng nghĩa với việc người dân có những ngày nghỉ ngơi, tham gia các sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đây cũng là dịp để nhiều hủ tục có không gian và thời gian trỗi dậy. Do hình thức tổ chức khá đặc biệt vốn có từ xưa, nên mỗi dịp mở hội hiện nay, nạn cờ bạc, chè chén phung phí, tệ mê tín dị đoan được dịp hoạt động. Trong không khí cởi mở của hội lễ dễ có tâm lý hòa đồng, nhìn mọi sự việc bằng con mắt ưu ái, coi như không có hại, nhưng chính nó đang là loại “dịch vụ ăn khách” làm vẩn đục bầu không khí trong lành của ngày hội và ảnh hưởng đến tâm lý và cuộc sống của người dân. Bầu tôm, xóc đĩa, đánh bạc… là những hiện tượng có nhiều ở một số lễ hội” trên địa bàn tỉnh.

   Việc tu bổ di tích được thực hiện một cách sơ sài, làm biến dạng di tích; cảnh quan xung quanh di tích bị xâm hại: Sau một thời gian dài không được quan tâm tu bổ, bị sử dụng sai mục đích, bị lấn chiếm, nhiều di tích ở Sóc Trăng đã xuống cấp nghiêm trọng. Công việc phục dựng các di tích với mục đích lấy lại hình dáng và không gian ban đầu không phải là một nhiệm vụ đơn giản. Một số di tích dình làng được xây dựng đã phá vỡ cảnh quan di tích, lấn át di tích gốc gây ra những tranh cãi trong việc phục hồi khi áp dụng những chất liệu xây dựng mới, hệ thống trang thiết bị mới. Lý do có nhiều, nhưng chủ yếu do trình độ nhận thức còn yếu và chưa đồng đều dẫn đến việc không thể hiện hết ý tưởng nghệ thuật - tôn giáo của người xưa trong việc xây dựng di tích; chưa có sự thống nhất của cán bộ ngành văn hóa thông tin trong việc trùng tu, tôn tạo di tích đã khiến cho mỗi nơi trùng tu, tu bổ di tích theo những kiểu khác nhau; và chưa có những qui hoạch tổng thể cho các vấn đề cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội, môi trường cảnh quan, dịch vụ du lịch,... cho di tích nói chung và lễ hội đi kèm với di tích nói riêng.

   Ngoài ra, không gian di tích cũng ngày càng bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đã không ít các di tích bị các hộ dân lấn chiếm làm đất ở, làm địa điểm kinh dooanh, mua bán... Bên cạnh đó, mỗi lần tổ chức lễ hội là một lần các di tích bị xâm hại, cảnh quan môi trường bị phá hủy do sự tập trung số lượng lớn người dân và du khách trong một thời gian ngắn gây ra sự quá tải cho di tích.

   Những vấn đề xã hội mới nảy sinh khác: Hiện nay, lễ hội truyền thống ở Sốc Trăng được tổ chức đều có khách tham quan, nên đặt ra hàng loạt vấn đề đối với các nhà quản lý văn hóa xã hội của tỉnh. Từ các khâu như đảm bảo giao thông, y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn khách thăm quan đến duy trì an ninh trật tự… đều là mối lo chung của nhiều ban, ngành của tỉnh. Tùy mức độ của mỗi lễ hội mà các vấn đề này cần sự lưu tâm ở các mức độ khác nhau.
Bệnh phô trương hình thức trong việc tổ chức lễ hội là một trong những vấn đề xã hội đáng lưu tâm trong thời gian vừa qua. Dù Trống đình nào đình ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ, song việc so sánh lễ hội đình này với lễ hội đình khác vẫn tồn tại từ lâu trong quá khứ ở tỉnh Sốc Trăng. Tuy nhiên, ngày nay, việc so sánh đó đã có những nội dung mới. Trong thực tế tồn tại chuyện các đình tổ chức hội cho to, quyên góp quá nhiều tiền của người dân để tổ chức hội càng ngày càng to, và quan trọng là phải to hơn đình bên cạnh.

   Ngoài ra, có một vấn đề là các lễ hội được tổ chức liên tục chủ yếu trong thời gian mùa xuân đã kéo theo việc nhiều thanh niên bỏ bê công việc đồng án để đi lễ hội. Câu ca: Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè lại được “vận dụng” trở lại trong những năm gần đây đã ít nhiều tác động tiêu cực đối với các sinh hoạt bình thường của tỉnh.

Cúng đình kỳ yên – Đình thần Mỹ Xuyên, Sóc Trăng
Nguồn ảnh: https://dulichvietnam.com.vn/le-ky-yen-dinh-dinh than-my xuyen-soctrang.html

   Những giải pháp chủ yếu:

   Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác tổ chức, điều hành, quản lý các lễ hội .

   Đây là điều kiện hàng đầu và là biện pháp có tính quyết định với công tác tổ chức, điều hành, quản lý các lễ hội. Xây dựng một cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện công tác điều hành, quản lý các lễ hội thống nhất từ Trung ương đến địa phương là yêu cầu cấp thiết có định hướng và quyết định đến toàn bộ hoạt động cũng như chất lượng và hiệu quả công tác này. Bởi vì nếu không có sự lãnh đạo, chỉ đạo và sự quan tâm giúp đỡ của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thì không thể tổ chức, điều hành, quản lý lễ hội ở Sóc Trăng đạt hiệu quả.

   Hai là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ các mặt gắn với việc trang bị kiến thức quản lý văn hóa, đặc biệt là kiến thức tổ chức, quản lý lễ hội cho cán bộ chính quyền của tỉnh.
Đối với tỉnh Sóc Trăng, trong tình hình hiện nay thì đây là một giải pháp quan trọng để thời gian tới cán bộ tỉnh có được trình độ hiểu biết, kiến thức tổ chức, quản lý lễ hội ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, bởi phần lớn trình độ kiến thức quản lý văn  hóa, đặc biệt là kiến thức tổ chức, quản lý lễ hội của đội ngũ cán bộ còn thấp, chưa qua đào tạo, còn mang nặng thói quen kinh nghiệm, nên việc tiếp thu và áp dụng kiến thức quản lý văn hóa là một quá trình đầy khó khăn, lâu dài và tốn kém có khi không đạt hiệu quả. Do đó, vấn đề quan trọng có ý nghĩa thiết thực vừa cơ bản, lâu dài vừa cấp bách đó là cần phải xây dựng một đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, có năng lực, trình độ  tổ chức, điều hành, quản lý các lễ hội .

   Ba là, nắm vững các quan điểm cơ bản của Đảng, văn bản hướng dẫn của các ngành, các cấp ở Trung ương và địa phương trong chỉ đạo việc tổ  chức và quản lý lễ hội ở Sóc Trăng hiện nay.
Thường xuyên nâng cao nhận thức, hiểu biết về lý tưởng cách mạng, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và tình hình đất nước cho đội ngũ trí thức, cán bộ văn hoá, để qua đó định hướng tư tưởng, văn hoá cho công chúng thưởng thức, hưởng thụ văn hóa tinh thần, đồng thời củng nhằm tổ chức và quản lý tốt các lễ hội văn hóa ở địa phương.

   Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người làm công tác văn hóa nói chung, văn hoá truyền thống nói riêng, phải nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia cùng chính quyền địa phương trong quản lý, tổ chức các hoạt động lễ hội. Tăng cường các hoạt động truyền thống để nâng cao hiểu biết, nâng cao dân trí, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá cho nhân dân trong tỉnh, làm cho nhân dân hiểu rõ về ý nghĩa và tầm quan trọng của các lễ hội ở địa phương.

   Bốn là, cần phát huy trách nhiệm của gia đình trong việc tổ chức thực hiện, hưởng ứng các lễ hội. Thực tiễn ở Sóc Trăng cho thấy gia đình các hộ dân có vai trò to lớn trong việc đảm bảo cho các lễ hội diễn ra thành công. Vì gia đình là cái nôi hình thành nhân cách con người, nơi lưu truyền, giữ gìn các di sản văn hoá dân gian truyền thống. Do đó xây dựng gia đình văn hoá, lấy gia đình làm cơ sở vững chắc để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, để tổ chức thành công các lễ hội và ngăn chặn sự xâm nhập của những ấn phẩm đồi trụy.
 
   Năm là,
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “ Đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá một cách sâu rộng và có hiệu quả, nhằm tạo môi trường văn hóa lành mạnh trên mỗi địa bàn dân cư và trong toàn tỉnh”.  Phong trào “Xây dựng noong thôn mới”. Đảng và chính quyền các cấp lãnh đạo các thôn ấp, các đơn vị, trường học, tham gia thực hiện phong trào “Đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, nâng cao tính tự quản cộng đồng, coi trọng việc xây dựng gia đình văn hoá, xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

   Phát triển phong trào thể dục- thể thao, văn hoá - văn nghệ quần chúng; thường xuyên tổ chức sinh hoạt vui chơi, học tập, giao lưu giữa các dân tộc, các huyện trong tỉnh nhằm thu hẹp dần khoảng cách và sự chênh lệch đời sống văn hoá giữa các khu vực trong tỉnh.

   Sáu là, bảo quản, giữ gìn, chống xuống cấp những di tích hiện vật, di tích lịch sử, đình đền, chùa, nhà truyền thống hiện có trong tỉnh. Sưu tầm hiện vật lịch sử văn hoá 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer. Tiến hành sắp xếp, phân cấp quản lý nhà truyền thống. Tổ chức các loại hình hoạt động để khai thác tối đa hiệu quả giáo dục của các di tích lịch sử đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên về lòng tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng, tinh thần yêu quê hương đất nước...

Tác giả bài viết: TS. Nguyễn Minh Sang - Phó trưởng Khoa Lý luận cơ sở