Nghiên cứu thực tế với Lớp Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính tập trung khóa 43 và tại chức khóa 56 tại thị trấn Mỹ Xuyên

Thực hiện kế hoạch số 02/KH-TCT, ngày 22 tháng 2 năm 2016 của Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng, ngày 04/3/2016, Khoa Nhà nước – Pháp luật đã tổ chức đi nghiên cứu thực tế cho lớp Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính tập trung khóa 43 và tại chức khóa 56 tại thị trấn Mỹ Xuyên.

      Với mục tiêu là giúp các học viên có điều kiện tiếp xúc với thực tế về mọi mặt của công tác chính quyền cơ sở ở địa phương đơn vị cụ thể, mà cụ thể là nắm bắt được tình hình quản lý hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế của thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Qua chuyến đi, học viên có thể rút ra bài học kinh nghiệm đối với bản thân mình và những bài học kinh nghiệm trong công tác điều hành của chính quyền cơ sở tại địa phương.

     Nội dung nghiên cứu“Quản lý hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế” ở thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đã được đồng chí Lương Hoàng Nhanh – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Mỹ Xuyên báo cáo chủ yếu từ năm 2015 đến nay,  trong đó nêu rõ, năm 2015 thị trấn đã thực hiện được các nội dung như sau:



Quang cảnh buổi Hội nghị
 
     -Về Văn hóa:

     Trong thời gian qua, công tác xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở đã được các cấp uỷ đảng, chính quyền, các đoàn thể và quần chúng Nhân dân quan tâm xây dựng rộng khắp. Việc đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá được chú ý. Các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thông tin đại chúng, tuyên truyền cổ động của Trung ương, địa phương hướng về cơ sở và hoạt động văn nghệ quần chúng đã đạt nhiều kết quả tốt. Hệ thống các thiết chế văn hoá ở cơ sở như nhà văn hoá, sân thể thao, câu lạc bộ,…đã được xây dựng rộng khắp làm cơ sở cho việc nâng cao chất lượng của phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Hầu hết các đơn vị cơ sở đều có các hoạt động văn hoá, Nhân dân được đọc sách báo, nghe đài, xem đài, xem biểu diễn nghệ thuật,…. Các phong trào “xây dựng nếp sống văn minh”, “gia đình văn hoá”, “ấp văn hoá”…đã tạo nên sự chuyển biến trong ý thức của cộng đồng dân cư về vai trò của văn hoá và cuốn hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp Nhân dân.

     Bên cạnh đó, công tác xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở cũng còn một số hạn chế nhất định như công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của các cấp uỷ đảng và chính quyền chưa thường xuyên, liên tục; cơ sở vật chất và hệ thống thiết chế văn hoá xã hội ở các đơn vị cơ sở còn thiếu thốn; đội ngũ cán bộ quản lý hoạt động văn hoá ở cơ sở chính sách đãi ngộ chưa thoả đáng; các tiêu cực xã hội và tệ nạn xã hội ở cơ sở còn diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời…

     -Về Giáo dục:

      Huy động trẻ trong độ tuổi đến lớp đều khắp ở tất cả các điểm trường, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra; duy trì sỉ số lớp học đến cuối năm đạt trên 96%. Giáo viên thực hiện đầy đủ các loại sổ sách theo quy định, lên lớp có soạn giáo án 100% theo phương pháp mới, thường xuyên sử dụng đồ dùng dạy học, công tác xã hội hoá giáo dục được tăng cường. Tuy nhiên, công tác vận động phổ cập trung học cơ sở chưa đạt chỉ tiêu; một số thành viên ban chỉ đạo phổ cập ít quan tâm đến công tác tuyên truyền vận động, phó thác cho các điểm trường.

     -Về Y tế:

     Y tế cơ sở được Đảng và Nhà nước quan tâm, dành nhiều nguồn lực để phát triển, do đó, hiện nay mạng lưới y tế này đã bao phủ đến các huyện, xã, ấp…. đáp ứng đến 70% nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tuyến cơ sở. Riêng đối với thị trấn căn cứ vào chuẩn quốc gia về y tế thì đạt nhưng diện tích còn chật hẹp, trạm y tế mặc dù được đầu tư nâng cấp nhưng vẫn còn mang tính tạm bợ chưa chắc chắn. Nguồn nhân lực hiện nay của thị trấn được bố trí 1 bác sĩ; 3 y sĩ; 02 hộ sinh thực hành, 01 dược sĩ. Tuy rằng các cơ sở y tế được xây dựng, trang thiết bị đầy đủ nhưng vẫn không thu hút được nhân lực. Bố trí nhân lực y tế theo lĩnh vực chưa đúng với chuyên môn. Tại một số địa phương, người dân ít khám chữa bệnh ở các Trạm y tế cơ sở mà lại đến khám chữa bệnh ở các tuyến trên dẫn đến việc các tuyến y tế  này quá tải, tăng chí phí khám chữa bệnh, kém hiệu quả khám chữa bệnh ở các tuyến này.


                           
Trao quà lưu niệm

     Từ thực tiễn đặt ra, lãnh đạo địa phương rút ra bài học kinh nghiệm trong thực hiện quản lý văn hóa, giáo dục, y tế ở thị trấn, đó là phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, sự đồng thuận của cán bộ và nhân dân trong thị trấn... Để hiểu rõ và nắm chắc hơn vấn đề thực tiễn, các học viên đã nêu một vài câu hỏi cũng như trao đổi thêm những giải pháp, những kinh nghiệm giúp địa phương thực hiện tốt hơn những nhiệm vụ về văn hóa, giáo dục, y tế trong thời gian tới. Với tinh thần trao đổi, học hỏi, đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn không ngần ngại, trả lời rất chân thành, thẳng thắn những câu hỏi, băn khoăn của đoàn. Thông qua nghe báo cáo và những thông tin thu được qua trao đổi giúp học viên có thêm những kiến thức thực tiễn, kinh nghiệm và kỹ năng từ việc nghiên cứu thực tế để giải quyết vấn đề trong thực tiễn công tác của bản thân.
                                                                                           Phạm Vân Anh
                                                                        Giảng viên Khoa Nhà nước Pháp luật