16:57 +07 Thứ ba, 19/03/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
Học viện hành chính
HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN
Học viện Chính trị khu vực IV
Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam
Trang thông tinh điện tử Đảng bộ tỉnh Sóc trăng
SocTrang.gov.vn
csdl.thutuchanhchinh.vn/
Biển và Hải đảo Việt Nam

Trang nhất » Tin Tức » Tin tức - sự kiện

Hoàn thiện các quy định của pháp luật về kê khai tài sản, thu nhập

Thứ hai - 04/04/2016 14:30

1. Cơ sở pháp lý về kê khai tài sản, thu nhập

     Kể từ khi ra đời đến nay, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2007 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2012) đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, giúp công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng đạt hiệu quả hơn. Những quy định của Luật phòng, chống tham nhũng đã khắc phục được cơ bản những hạn chế, thiếu sót của các quy định về phòng, chống tham nhũng trước đó. Trong đó, minh bạch tài sản, thu nhập là một nội dung quan trọng, thể hiện chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước về việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 9 tháng 3 năm 2007 (được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số: 68/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 08 năm 2011); Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 về minh bạch tài sản, thu nhập. Gần đây nhất, Thanh tra Chính phủ cũng đã ban hành Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013, hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập.

     Theo đó, đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập bao gồm: “Cán bộ từ Phó Trưởng phòng của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên và tương đương trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị; Một số cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, đơn vị, cá nhân; Người ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân”(1). Tài sản phải kê khai bao gồm: Nhà, quyền sử dụng đất; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và các loại tài sản khác mà giá trị của mỗi loại từ năm mươi triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài; thu nhập phải chịu thuế theo quy định của pháp luật (được phân thành 09 nhóm đối tượng và 08 nhóm tài sản phải kê khai(2)). Cùng với đó là quy định về trình tự, thủ tục, nghĩa vụ, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan được thể hiện một cách cụ thể, rõ ràng; đặc biệt có sự chú trọng đến trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc kê khai tài sản, thu nhập cũng như công tác quản lý, sử dụng và công khai bản kê khai, nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm và xác minh tài sản kê khai.

     So với những quy định trong Pháp lệnh cán bộ, công chức năm 1998 cũng như Pháp lệnh chống tham nhũng năm 1998, thì quy định về minh bạch, kê khai tài sản, thu nhập trong Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành hiện tại đã có nhiều điểm bổ sung mới quan trọng: Một là, không chỉ kê khai tài sản của cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức mà kê khai tài sản của cả vợ hoặc chồng và con chưa thành niên để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản tham nhũng, giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm. Hai là, quy định xác minh tài sản trong những trường hợp nhất định khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ba là, quy định về việc công khai bản kết luận về minh bạch trong kê khai tài sản(3).

     Như vậy, có thể thấy rằng, về mặt pháp lý việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức đã được quy định tương đối đầy đủ và rõ ràng. Nhờ đó, trong thời gian qua việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức đã được tiến hành tương đối nghiêm chỉnh, được sự đồng tình và đánh giá cao từ phía người dân, dư luận.

2. Một số tồn tại, bất cập

    Tuy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhưng các quy định về việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức hiện tại vẫn còn một số tồn tại, bất cập nhất định, rất cần có sự sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện trong thời gian tới.

    Thứ nhất, quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 44 của Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập là chưa đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với Luật cán bộ, công chức năm 2008 cũng như Luật viên chức năm 2010 về phân định cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể: Điểm a, Khoản 1, Điều 44 của Luật phòng, chống tham nhũng quy định:“Cán bộ từ Phó Trưởng phòng của Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên và tương đương trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị” là một trong những đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Nhưng những người giữ chức vụ từ Phó Trưởng phòng của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên và tương đương trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể là cán bộ, công chức hoặc viên chức. Ví dụ: Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng ở cấp huyện là công chức chứ không phải là cán bộ.

    Thứ hai, mặc dù những quy định về kê khai, minh bạch tài sản xét về mặt pháp lý đã tương đối rõ ràng, cụ thể nhưng trong quá trình triển khai thực hiện lại chưa thật sự đạt hiệu quả, do những người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập hiện tại là rất lớn. Do số lượng người phải kê khai tài sản, thu nhập quá lớn nên công tác quản lý, kiểm soát gặp nhiều khó khăn, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị phát hiện kê khai không trung thực còn rất ít. Chẳng hạn: tính đến ngày 31/5/2015 đã có 93 cơ quan, đơn vị gửi báo cáo kết quả minh bạch tài sản thu nhập về Thanh tra Chính phủ. Kết quả có 995.383/999.416 (đạt 99,6%) người đã kê khai; trong đó có 979.296 (đạt 98,4%) bản kê khai tài sản thu nhập đã được công khai. Tuy nhiên, trong tổng số 1.225 người thuộc diện phải xác minh chỉ phát hiện, kết luận có 4 người kê khai không trung thực(4).

    Thứ ba, thông tin về bản kê khai chưa được công khai rộng rãi cho người dân biết cũng như chưa có cơ quan quản lý tập trung các bản kê khai tài sản. Việc công khai bản kê khai được tiến hành chủ yếu qua hai hình thức là công khai tại cuộc họp cơ quan và niêm yết, tùy theo sự lựa chọn và quyết định của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị(5). Do đó, hình thức công khai vẫn còn nặng theo xu hướng công khai nội bộ, người dân chưa có cơ hội tiếp cận một cách đầy đủ. Cùng với đó, việc kiểm soát hệ thống các bản kê khai tài sản chưa được quản lý một cách thống nhất mà còn phải thông qua nhiều tầng, nấc. Chẳng hạn, Thanh tra Chính phủ hiện tại ngoài việc phải quản lý hơn một trăm “đầu mối” kê khai, còn phải quản lý gián tiếp rất nhiều “đầu mối” kê khai khác thông qua các cấp bộ, ngành, địa phương.

3. Một số đề xuất, kiến nghị

     Một là, cần sửa đổi, bổ sung Điểm a, Khoản 1, Điều 44 Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành để đảm bảo tính phù hợp và thống nhất với Luật cán bộ, công chức năm 2008 và Luật viên chức năm 2010 về phân định cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể, Điểm a, Khoản 1, Điều 44 Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành cần sửa đổi, bổ sung thành: “Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ từ Phó Trưởng phòng của Uỷ ban nhân dân cấp huyện trở lên và tương đương trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị”.

    Hai là, cần hạn chế đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập. Như đã đề cập, số lượng cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản hiện nay là rất lớn. Chính vì vậy, cần phải thu hẹp đối tượng thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập. Bởi lẽ, đối với cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp hành chính thấp hơn thì cơ hội tham nhũng với mức độ lớn đa phần sẽ có xu hướng sẽ giảm dần. Do đó, cần tập trung vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giữ các vị trí, chức vụ chủ chốt trong các cơ quan nhà nước chủ yếu từ cấp huyện, cấp tỉnh trở lên. Cho nên, không nhất thiết phải xác định đối tượng kê khai tài sản, thu nhập là cán bộ, công chức cấp xã (số lượng của nhóm đối tượng này lại rất đông). Mặt khác, những đối tượng này cũng không có nhiều “cơ hội tốt” để tham nhũng và nếu có thì đa phần mức độ sẽ không lớn, mang tính chất nhỏ lẻ.

    Ba là, thông tin kê khai cần được công khai cho người dân được biết. Cần phải quy định thực hiện đồng thời cả hai hình thức công khai việc kê khai tài sản, thu nhập. Tùy theo vị trí, chức vụ của cán bộ, công chức, viên chức mà xác định phạm vi công khai phù hợp. Ngoài ra, nên công khai bản kê khai tài sản, thu nhập trên website của cơ quan, đơn vị (khi đã thu hẹp được đối tượng kê khai) để cá nhân, công dân và tổ chức có thể thường xuyên theo dõi, giám sát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai. Thêm vào đó, cần quy định cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, viên chức trước và sau khi về hưu, để có thể hạn chế và xử lý tốt tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức sau khi về hưu mới “phát sinh” thêm nhiều tài sản lớn, gây nhiều bức xúc trong dư luận; quá trình, biện pháp xử lý lại gặp nhiều khó khăn, vì khi đó những đối tượng này không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước nữa.

     Tóm lại, việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức là chủ chương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, với mong muốn ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn tham ô, tham nhũng. Việc tiếp tục sửa đổi các quy định về kê khai tài sản, thu nhập rất cần thiết phải được tiếp tục nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng và nhất thiết phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân./.

Ghi chú:
(1) Xem thêm: Khoản 1, Điều 44 Luật Phòng, chống tham nhũng.
(2) Xem thêm: Điều 7, Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 về minh bạch tài sản, thu nhập.
(3) Thanh tra Chính phủ, Sổ tay công tác phòng, chống tham nhũng, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2013, tr.68-69.
(4) Xem thêm: Kê khai tài sản cán bộ: Gần 1 triệu bản khai chỉ 4 người gian dối,http://www.tienphong.vn/Phap-Luat/ke-khai-tai-san-can-bo-gan-1-trieu-ban-khai-chi-4-nguoi-gian-doi-890432.tpo, truy cập ngày 31/7/2015.
(5) Xem thêm: Khoản 1, Điều 13, Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 về minh bạch tài sản, thu nhập.
                                                                    
                                                                                                  

Tác giả bài viết: Trương Thế Nguyễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn