Bộ luật Lao động (BLLĐ) đầu tiên của nước ta được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX thông qua ngày 23/6/1994 tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng. Đây là bộ luật quan trọng kể từ sau Đổi mới, đã thể chế hóa đường lối xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và cụ thể hóa Hiến pháp năm 1992 về các quyền cơ bản của con người.
Đến năm 2012, BLLĐ mới được ban hành, thay thế cho BLLĐ năm 1994 để cụ thể hóa Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và phù hợp với quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước sau khi nước ta chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 11/01/2007. BLLĐ năm 2012 đã góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế sâu rộng của nước ta ra thế giới.
Mặc dù BLLĐ 2012 đã khắc phục được nhiều điểm hạn chế của luật cũ, nhưng vẫn còn có nhiều bất cập gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật cũng như làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, chính vì thế yêu cầu sửa đổi BLLĐ lại một lần nữa được đặt ra. Sau quá trình xây dựng đề xuất sửa đổi luật, soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra kỹ càng, vào ngày 20/11/2019, Quốc hội đã thông qua BLLĐ 2019. Bộ luật này chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 và thay thế BLLĐ 2012, trong đó có một số điểm mới đáng chú ý, như sau:
1. Mở rộng đối tượng áp dụng của Bộ luật Lao động
Nếu như BLLĐ 2012 chỉ điều chỉnh các vấn đề có liên quan đến mối quan hệ lao động giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) thì BLLĐ 2019 đã bổ sung thêm đối tượng “Người làm việc không có mối quan hệ lao động” (Điều 2). Trong đó "Người làm việc không có quan hệ lao động" là người làm việc không trên cơ sở thuê mướn bằng hợp đồng lao động (khoản 6 Điều 3). Sự bổ sung này nhằm thể hiện chính sách bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà nước đối với nhóm đối tượng này.
Như vậy, cho dù không có mối quan hệ lao động giữa NSDLĐ và NLĐ nhưng nếu thỏa mãn một số tiêu chí thì vẫn được điều chỉnh bởi BLLĐ 2019.
2. Thay đổi về hợp đồng lao động
Chương về hợp đồng lao động (HĐLĐ) là một trong 17 chương rất quan trọng, là khung pháp lý cho sự thỏa thuận, thực hiện và chấm dứt các nội dung trong HĐLĐ của hai bên NLĐ và NSDLĐ. Chính vì thế BLLĐ có nhiều thay đổi về HĐLĐ, cụ thể đó là:
Thứ nhất, BLLĐ 2019 cơ bản giữ nguyên định nghĩa về HĐLĐ, tuy nhiên có bổ sung thêm:
"Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động." (Điều 15). Theo quy định trên, để nhận diện một hợp đồng có phải là HĐLĐ hay không dựa vào 3 dấu hiệu: (1) làm việc trên cơ sở thỏa thuận; (2) có trả lương; (3) có sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên. Quy định này là cần thiết để giải quyết tình trạng sử dụng tên gọi khác nhằm tránh việc thực hiện các nghĩa vụ của NSDLĐ đối với NLĐ, cũng như tránh sự điều chỉnh chặt chẽ của BLLĐ.
Thứ hai, về hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện HĐLĐ đã được BLLĐ 2019 bổ sung thêm quy định là “
Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động” (khoản 3 Điều 17). HĐLĐ để trả nợ cho người sử dụng lao động là hợp đồng ký kết để ghi nhận việc người lao động làm việc trả tiền đang vay hay để bù nợ cho người sử dụng lao động.
Thứ ba, BLLĐ bỏ loại HĐLĐ theo mùa vụ trong BLLĐ 2012. Theo đó, quy định tại Điều 20 BLLLĐ 2019, chỉ còn 02 loại hợp đồng để các bên lựa chọn để giao kết là: (i) HĐLĐ không xác định thời hạn; (ii) HĐLĐ xác định thời hạn (không quá 36 tháng).
Thứ tư, ghi nhận hình thức mới giao kết HĐLĐ. Điều 14 BLLĐ 2019 ghi nhận thêm hình thức giao kết HĐLĐ thông qua "phương tiện điện tử" "dưới hình thức thông điệp dữ liệu" sẽ có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản. Quy định này phù hợp với Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể ký kết HĐLĐ linh hoạt hơn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
3. Các thay đổi về tiền lương
Thứ nhất, BLLĐ 2019 bổ sung quy định trong trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì có thể ủy quyền cho người khác nhận thay lương cho mình (Điều 94). Như vậy, nếu một người được người lao động ủy quyền hợp pháp và chứng minh được sự ủy quyền này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chuyển trả lương cho người được ủy quyền.
Thứ hai, hình thức ''thưởng'' cho người lao động không chỉ giới hạn là ''tiền thưởng''. Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 quy định về “Thưởng” thay vì “Tiền thưởng” như Bộ luật Lao động 2012. Theo đó người sử dụng lao động có thể thưởng cho người lao động bằng tiền hoặc bằng tài sản hoặc bằng các hình thức khác.
4. Các thay đổi về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
Thứ nhất, thời gian làm thêm giờ quy định tại BLLĐ 2019 có một số sửa đổi so với BLLĐ 2012 như sau: (i) Số giờ làm thêm trong tháng tăng lên 40 giờ thay vì 30 giờ; (ii) Quy định cụ thể các trường hợp được làm thêm tới 300 giờ/năm như sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, linh kiện điện, điện tử, chế biến nông, lâm, thủy sản; cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước (Điều 107).
Thứ hai, tăng số ngày nghỉ Quốc khánh lên 02 ngày, bao gồm ngày 02/9 và một ngày liền kề. Ngày liền kề do người sử dụng lao động quyết định, có thể là ngày 01/9 hoặc ngày 3/9 dương lịch (Điều 112)
Thứ ba, ngoài những trường hợp nghỉ được hưởng nguyên lương quy định tại BLLĐ 2012, BLLĐ 2019 bổ sung trường hợp "cha nuôi, mẹ nuôi chết'' vẫn được hưởng nguyên lương (điểm c khoản 1 Điều 115).
5. Tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động
Theo quy định tại Điều 169 BLLĐ 2019, độ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường sẽ được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
BLLĐ 2019 có hiệu lực từ 01/01/2021, do vậy kể từ năm 2021, mỗi năm tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường sẽ tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đạt 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ.
Riêng người bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay làm việc ở nơi có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với độ tuổi nghỉ hưu được quy định tại thời điểm nghỉ hưu.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2018),
Báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật Lao động năm 2012, Hà Nội.
2. Quốc hội (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hà Nội.
3. Quốc hội (2012), Bộ luật Lao động, Hà Nội.
4. Quốc hội (2019), Bộ luật Lao động, Hà Nội.
5. Quốc hội (2015), Bộ luật Hình sự, Hà Nội.
6. Quốc hội (2015), Bộ luật Tố tụng dân sự, Hà Nội.
7. Quốc hội (2014), Luật Doanh nghiệp, Hà Nội.
8. Quốc hội (2014), Luật Đầu tư, Hà Nội.