02:55 +07 Thứ sáu, 29/03/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
Học viện hành chính
HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN
Học viện Chính trị khu vực IV
Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam
Trang thông tinh điện tử Đảng bộ tỉnh Sóc trăng
SocTrang.gov.vn
csdl.thutuchanhchinh.vn/
Biển và Hải đảo Việt Nam

Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu

Lê Văn Giang - gương điển hình thoát nghèo bền vững của người dân Sóc Trăng

Thứ sáu - 27/12/2019 08:20

   Năm 2019, là năm tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Sóc Trăng tăng 7,3%. Cao nhất từ năm 2015 đến nay. Trong đó khu vực I tăng 4,8%, khu vực II tăng 10,82% và khu vực III tăng 8,14%.
   
   Điều này đã mang đến những gam màu tươi sáng cho bức tranh kinh tế toàn cảnh của tỉnh Sóc Trăng. Đó cũng chính là nhờ có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở địa phương trong thời gian qua. Cùng với những kết quả đạt được của tỉnh nói chung, trong đó không thể không nói đến ý thức muốn thoát nghèo vươn lên của một bộ phận người dân của tỉnh. Bài viết này xin đề cập đến một gương điển hình khi những hộ nghèo có định hướng làm kinh tế.
   
   Tuy không đất sản xuất nhưng với tư duy tự lực vươn lên cùng với những định hướng hợp lý trong phát triển kinh tế mà gia đình anh Lê Văn Giang ở huyện Cù Lao Dung đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Anh là một trong 30 hộ gia đình điển hình của cả nước được biểu dương tại hội nghị biểu dương huyện, xã, hộ gia đình vươn lên thoát nghèo do Bộ Lao đông Thương binh và Xã hội tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10 năm 2018.

   Gia đình có 4 thành viên nhưng không đất sản xuất. Cha mẹ hai bên cũng không khá giả là bao, vì vậy mà tài sản lớn nhất của vợ chồng anh khi ra riêng chỉ là mảnh đất vỏn vẹn một công, đủ làm nơi an cư với căn nhà tạm bợ. Tất cả trang trải sinh hoạt của cả gia đình đều phụ thuộc vào số tiền bấp bênh kiếm được nhờ làm thuê. Hai đứa con đang vào tuổi ăn tuổi học cuộc sống lại càng thiếu trước hụt sau. Trăn trở lúc bấy giờ của anh là làm sao để thoát được cái nghèo bủa vây. Vậy là hết làm thuê anh lại tất bật tìm tòi những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của gia đình đồng thời đem lại lợi nhuận kinh tế. Những phần đất trống quanh nhà được bắt đầu với ý tưởng nuôi gà thả vườn.

   Mỗi loài vật nuôi, mỗi loại cây trồng khi được lựa chọn đều được anh nghiên cứu rất kỹ về khâu chăm sóc để làm sao mang lại hiệu quả cao. Bởi theo anh một khi triển khai nuôi hay trồng không thành công, đồng lời không những không có mà còn gây nợ nần, nghèo lại càng thêm nghèo.

   Những năm gần đây cây mía ở địa phương ngày càng khó khăn, đất người dân trong vùng bỏ trống cũng khá nhiều. Nhà thì không có đất, thấy vậy vợ chồng anh nghĩ đến việc tìm thuê đất để trồng trọt và xin những thửa đất bỏ hoang có diện tích ít hơn gần nhà để trồng cỏ nuôi bò. Thấy vợ chồng anh chịu khó, người dân trong ấp ai thấy cũng thương, người cho đất, người lại cho cỏ.
         
   Trước hoàn cảnh của gia đình anh, năm 2017, Uỷ ban nhân dân xã Đại Ân 1 đã tạo điều kiện để anh xây được căn nhà mới và hỗ trợ 1 con bò để phát triển sản xuất. Cùng với bò của gia đình nay đàn bò thịt của gia đình anh tiếp tục nhân đàn. Bò mẹ cũng đang tiếp tục chữa.

   Hiện nay ngoài đàn gà khoảng trăm con, 3 con bò thịt thì vừa qua gia đình anh phấn khởi khi 2 công đất thuê trồng bắp đem lại thu nhập thêm cho gia đình. Không dừng lại ở đó, mới đây anh còn được hỗ trợ 20 triệu đồng để triển khai mô hình nuôi trùn quế. Đây là mô hình mà anh ấp ủ thực hiện bấy lâu.

   Tất cả loại cây trồng, vật nuôi anh triển khai đều được tính toán rất hợp lý để tận dụng cùng nhau phát triển. Phân bò sẽ được anh tận dụng cho trồng trọt và nuôi trùn quế. Trùn sau khi sinh sản sẽ dùng để nuôi gà. Còn cây bắp anh trồng không những tận dụng thân cây làm thức ăn cho đàn bò mà trái bắp còn tận dụng làm thức ăn cho đàn gà. Năm 2018 gia đình anh đã thoát nghèo. Nhờ những bước định hướng hợp lý trong làm kinh tế mà  gia đình anh từ túng thiếu chật vật giờ đã đủ ăn đủ mặc, cuộc sống cũng đã thoải mái hơn.

   Theo bà Tạ Thị Thúy Hồng,  Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng cho biết: " Nhờ chí thú làm ăn và có sự tính toán hợp lí trong phát triển kinh tế cho nên hộ anh Giang về kinh tế đã tương đối ổn định và có hướng phát triển tốt. Qua đó thì hộ anh Giang cũng mạnh dạn làm đơn xin đăng ký thoát nghèo. Trong thời gian tới địa phương thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn cũng như nhân rộng mô hình làm ăn hiệu quả của hộ anh Giang trên địa bàn xã để góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững."

   Từ là một hộ nghèo nay đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định, đây là điều mà anh mơ ước bấy lâu. Thế nhưng không dừng lại ở đó, anh đang tiếp tục từng ngày phấn đấu để hoàn thành mơ ước có cuộc sống khấm khá và dư dả hơn. Bao dự định được vợ chồng anh ấp ủ triển khai trong thời gian tới, nào là nuôi thêm dê, nào là nuôi thêm ếch, rồi trồng rau sạch, thuê thêm đất để trồng bắp. Với anh hành trình thoát nghèo không dừng lại ở đó mà cần sự nỗ lực nhiều hơn.

   Qua trường hợp của gia đình anh Lê Văn Giang ở huyện Cù Lao Dung, hy vọng sẽ có nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn tỉnh Sóc trăng cùng chung tay với chính quyền địa phương phát triển kinh tế, vượt qua khó khăn, vươn lên làm giảu cho gia đình và xã hội./.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Chuyên mục giảm nghèo phát ngày 12/12: Khi hộ nghèo có định hướng làm kinh tế

Tác giả bài viết: Lê Thị Cẩm Tú - Giảng viên Khoa Nhà nước pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn