06:22 +07 Thứ sáu, 29/03/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
Học viện hành chính
HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN
Học viện Chính trị khu vực IV
Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam
Trang thông tinh điện tử Đảng bộ tỉnh Sóc trăng
SocTrang.gov.vn
csdl.thutuchanhchinh.vn/
Biển và Hải đảo Việt Nam

Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu » Công tác khoa học

Phát triển kinh tế du lịch tỉnh Sóc Trăng tiềm năng và thách thức

Thứ sáu - 29/12/2017 16:31

        Ngày nay du lịch đã trở thành một lĩnh vực kinh tế phổ biến ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Khi nói đến một quốc gia nào đó người ta thường đề cập đến nhiều khía cạnh nhưng cũng không thể bỏ qua vấn đề du lịch. Khi nói đến du lịch của một quốc gia, người ta thường đề cập đến vùng đất, con người và văn hóa… của quốc gia đó. Nói đến du lịch Việt Nam là nói đến sự phong phú, đa dạng của cảnh quang thiên nhiên; của truyền thống lịch sử; của sự đa dạng văn hóa, của các dân tộc, văn hóa vùng miền, văn hóa lễ hội, văn hóa ẩm thực…. Từ đó có thể thấy rằng du lịch Việt Nam đã trở thành lĩnh vực trọng tâm kinh tế, văn hóa của xã hội, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện tối ưu để phát triển và phát triển bền vững.

      Trong xu thế phát triển kinh tế nói chung của đất nước ta, trong đó có tiềm năng từ kinh tế du lịch, tỉnh Sóc Trăng cũng là một địa phương có nhiều tiềm năng du lịch đã và đang hình thành và phát triển, đem lại sự đa dạng, phong phú cho du lịch Việt Nam nói riêng và du lịch thế giới nói chung. Trước đòi hỏi của thực tế khách quan về vấn đề du lịch hiện nay, việc đánh giá đúng tiềm năng và xu hướng phát triển của nó là vấn đề sống còn của tương lai ngành du lịch, đóng vai trò quan trọng cho việc xây dựng ngành du lịch, góp phần nâng cao chất lượng của các dịch vụ du lịch….

     Nhưng có một thực tế đáng quan tâm là, không chỉ riêng ở Sóc Trăng, riêng ở Việt Nam và cả nhiều nước trên thế giới, vấn đề du lịch thiếu quy hoạch, quy hoạch không đúng tiềm năng, quy hoạch không đồng bộ, trái với nguyên tắt… đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường sinh thái, đời sống cộng đồng địa phương, làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng vô cùng lớn mà các thế hệ sau phải gánh chịu. Bài viết sau đây, tác giả xin chia sẻ góc độ nghiên cứu với các vấn đề tiềm năng, thách thức và xu hướng tới trong phát triển kinh tế du lịch tỉnh Sóc Trăng.

 
Chùa Chén Kiểu với kiến trúc độc đáo. Ảnh: Internet

1. Tiềm năng du lịch tỉnh Sóc Trăng
1.1. Đánh giá tài nguyên du lịch tỉnh Sóc Trăng

     Muốn phát triển ngành du lịch của một địa phương nào đó thì phải có tài nguyên du lịch, tức tiềm năng du lịch. Việc đánh giá đúng thực trạng tài nguyên du lịch sẽ giúp cho việc quy hoạch, định hướng phát triển tốt hơn.

     Theo số liệu kết quả điều tra tài nguyên du lịch năm 2016, toàn tỉnh có 97 đơn vị tài nguyên du lịch, bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn. Đến nay, tỉnh đã khai thác, sử dụng được 18 điểm, trong đó, đa số các điểm du lịch của tỉnh đều tập trung nhiều tại thành phố Sóc Trăng, thu hút khá đông du khách trong nước và quốc tế đến tham quan[1].

    Trong năm 2016, cũng theo số liệu điều tra xã hội học về định hướng phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng, điểm du lịch thu hút khách nhiều nhất là: điểm Chùa Dơi, Chùa Chén Kiểu, Chùa Đất Sét và Trung tâm Văn hoá Triển lãm Hồ Nước Ngọt; Riêng về lễ hội thu hút khách du lịch nhiều nhất vẫn là: Lễ hội Ooc om boc - Đua ghe Ngo; tiếp theo là Lễ hội Sông nước miệt vườn được tổ chức vào mùng 05 tháng 05 âm lịch tại huyện Kế Sách. Về đặc sản, ẩm thực, nhiều ý kiến cho rằng được thực khách tiêu dùng nhiều nhất là bánh pía, kế đó là chọn bún nước lèo Sóc Trăng. Có thể nói với lợi thế vùng đất có 03 dân tộc, Sóc Trăng vốn rất nổi tiếng với địa danh có nhiều chùa chiền, đa dạng trong sinh hoạt văn hóa, lễ hội và nét ẩm thực độc đáo qua từng đặc sản của tỉnh và đã trở thành thương hiệu lâu dài[2].

    Các số liệu trên cho thấy, ngành du lịch Sóc Trăng đã và đang ngày càng phát triển khá tốt, nhiều công ty, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư xây dựng khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, điểm dừng chân như: Khu du lịch giải trí Ánh Quang Space; Khu Du lịch Nhà hàng - khách sạn Satraco; khách sạn Tín Hòa; khách sạn Phạm Gia; điểm dừng chân Tân Huê Viên, Công Lập Thành,…

     Thông qua nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của địa phương trong nước và nước ngoài, ngành du lịch đã nhận được sự quan tâm từ các đối tác để tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển du lịch Sóc Trăng ra nước ngoài như các nước: Lào, Inđônêxia, Campuchia; Trong những dịp này, điểm chú ý là gian hàng du lịch của tỉnh đã tạo ấn tượng tốt qua Hội chợ Triển lãm Thương mại Du lịch Việt Nam - Campuchia năm 2010 tại thủ đô Phnôm Pênh và hội chợ Quốc tế Du lịch ITE HCMC năm 2011 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Festival lúa gạo Việt Nam lần 2/2011 tổ chức tại Sóc Trăng,…

    Điểm đáng lưu ý là các dự án du lịch của Tỉnh cũng được nhiều doanh nghiệp đầu tư đến tìm kiếm thông tin và khảo sát. Toàn tỉnh có 08 tài nguyên thuộc dự án du lịch, đến nay đã có 03 dự án có quyết định đầu tư, 05 dự án đang được các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh nghiên cứu, khảo sát thực địa.
Theo thông tin mới nhất từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thì cuối tháng 6/2012, UBND tỉnh Sóc Trăng đã bàn về việc kêu gọi đầu tư vào 02 dự án khu du sinh thái Hồ Bể ở xã Vĩnh Hải thị xã Vĩnh Châu và Khu Du lịch Song Phụng ở huyện Long Phú. Đến tháng 07 năm 2017 đã vận hành tuyến du lịch Trần Đề đi Côn Đảo.

1.2. Doanh thu, tình hình du khách và công tác khai thác thị trường, hoạt động xúc tiến du lịch

     * Doanh thu và tình hình du khách

       Việc phát triển ngành du lịch thì điểm chú ý đặc biệt là nguồn doanh thu từ du lịch. Du lịch muốn phát triển được thì phải thu hút được du khách, và đáp ứng được các nhu cầu của du khách. Với thực trạng du lịch của tỉnh Sóc Trăng trong những năm qua cũng đạt được những kết quả bước đầu rất khả quan. Chỉ tính riêng trong những năm gần đây, hoạt động du lịch của tỉnh đã có sự tăng trưởng đáng kể về doanh số và lượng du khách đến tham quan.
Trong năm 2016, tổng lượng khách đến du lịch Sóc Trăng đạt 899.504 lượt người (vượt 153% kế hoạch năm); trong đó, khách quốc tế là 10.450 lượt người; khách lưu trú là 93.300 lượt người (có 6.780 khách quốc tế), tổng doanh thu du lịch đạt gần 7,9 tỷ đồng (tăng hơn năm trước trên 2 tỷ đồng)[3].
Theo báo cáo nhanh của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hàng năm trong những ngày vui Xuân đón Tết, tại các điểm du lịch trong tỉnh đã có khoảng 60.588 du khách đến vui chơi, ngoạn cảnh, trong đó Việt kiều về quê đón tết là khoảng 1.613; ngoại kiều khoảng 580 người. Được biết tại các điểm Trung tâm Văn hóa - Triển lãm Hồ Nước Ngọt, Bảo tàng và các cơ sở thờ tự là nơi du khách tìm đến nhiều nhất, mỗi ngày tiếp đón hàng ngàn lượt du khách.
      
     Nhằm phục vụ, thu hút khách tham quan, các đơn vị, dịch vụ văn hóa, điểm du lịch, biểu diễn nghệ thuật... đã đầu tư, trang hoàng, sửa chữa nâng cấp và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các trò chơi dành cho thiếu nhi, trưng bày báo xuân, tranh ảnh, hoa kiểng, trưng bày triển lãm hiện vật theo chuyên đề, hội diễn Lân Sư Rồng, võ thuật. Các huyện, thành phố tổ chức các buổi văn hóa, văn nghệ, hội thi với tổng số 21 buổi biểu diễn phục vụ 23.000 lượt khách dự xem.

      Cũng từ số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 06 tháng đầu năm 2017, tổng lượng khách tham quan là 347.197 lượt, trong đó khách quốc tế 7.886 lượt, đạt 58% kế hoạch năm, riêng lượng khách đến lưu trú là 69.750 lượt, đạt 63% kế hoạch năm, doanh thu đạt 67 tỷ 714 triệu đồng, đạt 54% kế hoạch năm, tăng 76% so với cùng kỳ. Lượng khách du lịch đến Sóc Trăng trong vòng 10 năm qua đã tăng gấp 3,2 lần (từ 284.450 lượt khách năm 2006 tăng lên 899.504 lượt khách năm 2016).

    * Công tác khai thác thị trường, hoạt động xúc tiến du lịch:

     Để có được kết quả này, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong những năm qua đã tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức, như: Tổ chức được 07 cuộc trưng bày, triển lãm trong tỉnh, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh, Kon Tum, Ngày hội văn hóa Khmer vùng Nam bộ tại An Giang và đất nước bạn- Inđônêxia; Đặc biệt là trong Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ II được tổ chức tại Sóc Trăng năm 2011. Phát tặng trên 13.200 tờ bướm; Treo băng rôl; Tặng ấn phẩm, cẩm nang du lịch, ẩm thực du lịch; Phát 4.000 tờ gấp... Bên cạnh đó còn mở các lớp bồi dưỡng thuyết minh viên và quản lý nhà nước về du lịch; Tổ chức các cuộc hội thi ẩm thực; Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh chất lượng hoạt động tại các điểm du lịch, cơ sở du lịch trên địa bàn toàn tỉnh.

    Trong những năm qua, hoạt động du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng có những bước chuyển biến mới. Lượng khách du lịch, doanh thu từ du lịch có tăng lên dù thế giới vẫn đang còn đang bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế. Mức tăng này có sự tác động từ nhiều mặt, trong đó có công tác quảng bá xúc tiến du lịch. Một phần khách du lịch có xu hướng về vùng Đồng bằng sông Cửu Long để khám phá những nét mới lạ của sinh hoạt, đời sống dân cư nơi đây cũng như thưởng thức những sản phẩm du lịch mới.

    Tuy nhiên, thống kê từ khách du lịch đến Sóc Trăng hay Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm qua cho thấy thị trường khách du lịch chỉ tập trung khách của một số nước Châu Á, Châu Âu. Nhiều nhất là khách du lịch đến từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Tây Ban Nha, Pháp… Trong khi đó, lượng khách đến từ các nước Asean, khách trong nước từ miền Bắc, miền Trung hay Tây Nguyên, Đông Nam bộ về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng chưa nhiều. Có thể nói thị trường khách du lịch vẫn chưa được khai thác tốt. Từ đó ảnh hưởng đến hoạt động và doanh thu du lịch của tỉnh và khu vực.

    Một trong những hoạt động thiết thực nhất để khai thác thị trường du lịch, cũng như hoạt động xúc tiến du lịch là thông qua các cuộc hội thảo, ngày hội, hội chợ trong tỉnh, khu vực, trong và ngoài nước, các công ty lữ hành trong và ngoài nước, các Trung tâm xúc tiến du lịch đã và đang có những hoạt động xúc tiến trao đổi tuyến, tour du lịch trong nước và quốc tế.  Và một trong những việc làm hiệu quả trông thấy là tại Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ II được tổ chức tại Sóc Trăng tháng 11/2011 và các Festival Đua ghe ngo của đồng bào người Khmer vừa qua đã góp phần tích cực giới thiệu du lịch Sóc Trăng đến du khách trong và ngoài nước. Đại sứ quán, Lãnh sự quán một số nước như Campuchia, Lào, Inđônêxia, cũng đặt vấn đề mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại du lịch với Sóc Trăng. Vấn đề là cần có những bước đi phù hợp để phát triển hợp tác du lịch.

    Theo tình hình được biết hiện nay, bằng những hoạt động và kế hoạch của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong dịp dự hội chợ tại thủ đô Giakacta của Inđônêxia tháng 11/2011, một số công ty và khách du lịch nước bạn cũng có nhu cầu đi du lịch ở Việt Nam, trong đó có tỉnh Sóc Trăng và Đồng bằng sông Cửu Long. Một số công ty du lịch của nước Mianma cũng có ý hợp tác phát triển tuyến du lịch từ nước Mianma sang Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Sóc Trăng. Như vậy khả năng phát triển tuyến du lịch từ Sóc Trăng đi một số nước ở Đông Nam Á hay xa hơn là có khả năng thực hiện nếu có kế hoạch liên kết tốt với các công ty du lịch lữ hành quốc tế trong và ngoài nước.

2. Hạn chế, thách thức

    Ngoài những đặc điểm nổi bậc từ tài nguyên, doanh thu, lượng du khách cũng như công tác xúc tiến thương mại du lịch, ngành du lịch tỉnh Sóc Trăng cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế, thách thức. Những mặt hạn chế tồn tại này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có phần vì tính khách quan của tình hình chung, có phần từ nguyên nhân chủ quan của tỉnh nhà trong công tác quy hoạch, định hướng phát triển du lịch của tỉnh.

    Một trong những mặt hạn chế dễ nhận thấy nhất là tình hình kinh tế nói chung của thế giới, chúng ta không thể bỏ qua mặt hạn chế này. Bởi vì xuất phát từ tình hình chung về kinh tế thế giới nó tác động mạnh mẽ đến hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Đó là do cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới bắt đầu từ nước Mỹ vào năm 2007, sau đó lan rộng ra khắp thế giới, và hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Tình hình càng thêm phức tạp khi cuộc khủng hoảng nợ công của Châu Âu cũng diễn ra, đã gây ra cuộc “khủng hoảng kép” mà hậu quả sẽ rất khủng khiếp nếu như Châu Âu không thể vượt qua. Chính từ nguyên nhân của các cuộc khủng hoảng trên mà nó ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình du lịch thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam và du lịch của tỉnh Sóc Trăng. Khủng hoảng kinh tế tài chính sẽ làm giảm đáng kể lượng du khách, giảm sự chi tiêu và từ đó cũng làm giảm chất lượng các dịch vụ du lịch.

    Nguyên nhân khách quan nữa mà hoạt động du lịch của tỉnh Sóc Trăng còn hạn chế như Nghị quyết Số 05-NQ/TU ngày 02/08/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Đó là du lịch của tỉnh nhà phát triển chưa tương xứng tiềm năng, chưa khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh; hầu hết các điểm du lịch phát triển tự phát, thiếu sự tác động tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước; công tác kêu gọi đầu tư chưa phát triển hiệu quả…[4]

    Về nguyên nhân chủ quan, theo thống kê như phần trên đã trình bày, tiềm năng thị trường khách du lịch đến Sóc Trăng chỉ tập trung khách của một số nước như Châu Á, Châu Âu. Nhiều nhất là khách du lịch đến từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Tây Ban Nha, Pháp… Trong khi đó, lượng khách đến từ các nước Asean, khách trong nước từ miền Bắc, miền Trung hay Tây Nguyên, Đông Nam bộ về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể là Sóc Trăng cũng chưa nhiều. Có thể nói thị trường khách du lịch vẫn chưa được khai thác tốt. Từ đó ảnh hưởng đến hoạt động và doanh thu du lịch của tỉnh và khu vực.

    Vấn đề nằm ở chỗ là tỉnh nhà chưa thật sự xây dựng được tính hấp dẫn của các sản phẩm du lịch vùng Nam bộ cũng như chất lượng các dịch vụ, như giá cả, mua sắm, ăn uống, đi lại…. thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại du lịch. Chẳng hạn, tuyến hàng không từ sân bay Cần Thơ đi thủ đô Hà Nội đã tạo thuận lợi cho du khách miền Bắc đến với vùng đồng bằng Nam bộ. Tuy nhiên giá cả là vấn đề mà du khách còn e ngại khi phải chi quá cao tuyến bay này so với từ Hà Nội đi các nước Đông Nam Á, nhất là đi Thái Lan. Điểm đến của du lịch Sóc Trăng cũng ít được biết trong nước cũng như trên thế giới….Việc quy hoạch các tiềm năng du lịch tỉnh Sóc Trăng đôi khi chưa đồng bộ, quy hoạch nhưng thiếu vốn nên chưa thể đầu tư; Việc đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng….
 
    Thị trường du lịch tỉnh Sóc Trăng do mới phát triển nên vấn đề kêu gọi đầu tư chưa thật sự hiệu quả. Các tổ chức, đơn vị đầu tư thường không lớn nên về quy mô và mức độ chưa đột phá.

   Công tác quản lý chưa đi vào quy cũ, còn mới bước đầu hình thành nên hệ thống chưa hoạt động thông suốt. Việc đào tạo con người, cũng như nhân tố con người làm du lịch chưa được quan tâm, chưa đi vào chuyên môn, còn ở mức hình thức và làm theo kinh nghiệm….

    Thấy được những mặt hạn chế này để trong xu hướng phát triển tới của ngành du lịch Sóc Trăng về cơ bản sẽ được khắc phục và có những hoạch định để giúp ngành du lịch Sóc Trăng phát triển hơn nữa. Trong những năm trước mắt và lâu dài phải có những chiến lược tích cực nhất để ngành du lịch Sóc Trăng trở thành một lĩnh vực trọng tâm về kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

3. Định hướng phát triển của du lịch tỉnh Sóc Trăng thời gian tới

    Xuất phát từ thực trạng cũng như hạn chế, tồn tại của du lịch tỉnh Sóc Trăng trong những năm qua, những ngành hữu quan cũng như UBND tỉnh đã đưa ra những đề xuất, những định hướng để tiếp tục khai thác và phát triển ngành du lịch Sóc Trăng.

    Để tiếp tục nâng cao chất lượng điểm đến và thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp du lịch, cần tăng cường thực hiện Quyết định số 526/QĐHC-CTUBND ngày 26/5/2008 về việc phê duyệt Dự án điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Theo đó, tỉnh Sóc Trăng sẽ ưu tiên phát triển các loại hình du lịch như du lịch văn hóa lễ hội, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, phát huy lợi thế của sông nước, vùng biển để tổ chức các mô hình dịch vụ vui chơi giải trí hấp dẫn. Hàng năm, Sóc Trăng có nhiều hoạt động văn hóa lễ hội của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng như lễ hội Ooc-om-boc và đua ghe Ngo, lễ cúng Phước Biển, lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Cúng Dừa, các lễ hội cúng đình ở các địa phương trong tỉnh; một số loại hình sân khấu nghệ thuật dân tộc Khmer như Dù Kê, Rô Băm….

    Hiện nay, Sóc Trăng đã đầu tư xây dựng một số dự án lớn và đi vào hoạt động du lịch như: Khu di tích căn cứ Tỉnh uỷ Rừng tràm Mỹ Phước, khu văn hóa Hồ Nước Ngọt, Đền thờ Bác Hồ... Đồng thời tiếp tục kêu gọi đầu tư một số khu du lịch trọng điểm của tỉnh, song song đó, tỉnh cũng có kế hoạch trùng tu, nâng cấp các điểm tham quan, du lịch trong tỉnh. Đặc biệt là Tỉnh đang được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hỗ trợ thực hiện đề án nâng cấp, xây dựng lễ hội Ooc-om-boc và đua ghe Ngo trở thành Festival cấp quốc gia. Hệ thống bờ kè theo đường đua và khán đài 3.000 chỗ ngồi đã được xây dựng với kinh phí hàng chục tỷ đồng.

     Điều phấn khởi là dự án Khu Du lịch Cồn số 3 Song Phụng và dự án Khu Du lịch Hồ Bể (Vĩnh Châu) đã có một vài doanh nghiệp đăng ký khảo sát và chờ  UBND tỉnh phê duyệt phương án đầu tư. Ngoài ra, còn có các dự án Tuyến du lịch hạ lưu sông Hậu, dự án Khu Du lịch rừng bần An Thạnh Nam, tuyến du lịch biển bằng tàu cao tốc từ Kinh Ba (huyện Trần Đề) đi Côn Đảo. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp, cần có sự đầu tư thêm nữa về cơ sở hạ tầng từ nguồn kinh phí của Nhà nước cũng như có cơ chế chính sách thông thoáng cho việc đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch và dịch vụ du lịch.

    Điều quan trọng là sản phẩm du lịch cần được quan tâm, chú trọng đầu tư khai thác đáp ứng được nhu cầu của du khách. Phải lấy thế mạnh về văn hóa lễ hội, du lịch xanh, sông nước, biển đảo để thu hút du khách. Nhất là cần đầu tư nghiên cứu phát triển mạnh loại hình du lịch trong dân, du lịch cộng đồng (loại hình Homestay) rất được du khách nước ngoài ưa chuộng. Phải có khảo sát, quy hoạch, hỗ trợ, hướng dẫn cư dân địa phương có vùng, khu du lịch trọng điểm tham gia loại hình du lịch này, để vừa phát triển du lịch, vừa giúp người dân có viêc làm, tăng thu nhập, gắn bó với hoạt động du lịch địa phương.

    Trong giai đoạn 2011 - 2016, tỉnh đưa ra một số chiến lược nhằm xúc tiến du lịch của địa phương. Cụ thể, triển khai thực hiện tốt các chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh để tuyên truyền quảng bá hàng năm, nhất là giới thiệu, kêu gọi đầu tư các dự án du lịch, khu, điểm du lịch, nâng cao chất lượng các điểm du lịch hiện có; tổ chức các hoạt động thu hút khách du lịch về đêm như chợ đêm, hoạt động văn hoá văn nghệ dân tộc...

     Đồng thời, thực hiện các ấn phẩm giới thiệu về du lịch Sóc Trăng cho khách du lịch trong và ngoài nước như dĩa DVD, bản đồ du lịch, tờ rơi, tập ảnh du lịch, ấn phẩm giới thiệu đặc sản, điểm đến du lịch Sóc Trăng. Thực hiện thường xuyên và nâng dần chất lượng bản tin du lịch của tỉnh như tăng số trang, thời gian phát hành.

     Bên cạnh đó, tăng cường tham gia các hội chợ, hội thảo trong và ngoài tỉnh, từng bước liên kết để tổ chức hội thảo, hội chợ du lịch và dịch vụ trong tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng các lễ hội truyền thống của tỉnh. Ít nhất 01 năm tham gia 03 hội chợ trong tỉnh và từ 03 đến 05 hội chợ ngoài tỉnh, phấn đấu có 01 hội chợ tại nước ngoài; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho các cán bộ nhân viên các công ty du lịch và hộ dân tham gia hoạt động phục vụ khách du lịch. Mỗi năm có ít nhất 02 lớp về nghiệp vụ hướng dẫn viên, thuyết minh viên, lễ tân, bàn, bar, bếp….

     Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến các khía cạnh bề nổi khác của du lịch như giá cả, chất lượng sản phẩm, phục vụ… Hy vọng sẽ có những hợp tác cùng phát triển du lịch giữa các Hãng hàng không Việt Nam với các Công ty du lịch, lữ hành và cơ sở lưu trú, khu du lịch trong vùng, để hạ giá thành phù hợp với kinh tế chung của khu vực và cả nước.\

     Muốn làm du lịch tốt thì tỉnh Sóc Trăng phải cần đặc biệt quan tâm hơn nữa đến vấn đề bảo vệ môi trường, an ninh trật tự cũng như nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch, trong đó khâu hướng dẫn viên, thuyết minh viên ở các điểm du lịch chiếm vị trí khá quan trọng. Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng và làm mới các sản phẩm lưu niệm, các đặc sản ẩm thực của Sóc Trăng cũng là một trong những yêu cầu hết sức cần thiết.

    Các cụm, tuyến, địa điểm du lịch có xu hướng cần tập trung phát triển trong thời gian tới gồm:

     Cụm du lịch Thành phố Sóc Trăng: tổ chức du lịch văn hoá lễ hội, thăm quan di tích văn hóa, lịch sử, Bảo tàng Sóc Trăng, du lịch giải trí, mua sắm, ẩm thực, thăm quan làng nghề (các làng nghề chạm khắc gỗ, làm mè láo, bánh phồng tôm, lạp xưởng, bánh pía,...), du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Các điểm du lịch sinh thái gồm Khu du lịch Hồ Nước Ngọt, Khu du lịch Bắc Tà Ky; Các điểm thăm quan văn hoá gồm Chùa Khleng, Chùa Dơi, Chùa Đất Sét, Chùa Chén Kiểu, Chùa Bốn Mặt, Trường Taberd cũ, chùa La Hán….

     Cụm du lịch Vĩnh Châu - Trần Đề - Long Phú: phát triển các điểm du lịch bãi biển, khu nghỉ dưỡng, khu khách sạn ven bờ biển, du lịch vườn nhãn Vĩnh Châu, rừng ngập mặn ven biển kết hợp du lịch văn hoá thăm quan chùa chiền, lễ hội của người Khmer, người Hoa, du lịch làng nghề truyền thống (dệt chiếu, chạm khắc gỗ...). Huy động đầu tư xây dựng Khu du lịch bãi biển Hồ Bể (Vĩnh Hải, Vĩnh Châu), Khu du lịch Mỏ Ó (Trần Đề), Khu du lịch sinh thái Cồn Nổi số 3 Song Phụng (Long Phú) đi vào hoạt động trước 2015.
 
    Cụm du lịch Cái Côn - Phong Nẫm: du lịch sinh thái sông nước, cù lao, vườn cây ăn trái. Đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái cù lao Phong Nẫm, Khu du lịch Cái Côn.

    Cụm du lịch Kế Sách - Mỹ Phước: du lịch sông nước, nhà vườn kết hợp du lịch thăm quan di tích văn hoá, lịch sử, lễ hội, thăm quan chùa Kế Sách. Đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái cồn Mỹ Phước, hình thành các làng du lịch, điểm du lịch nhà vườn, ẩm thực, biểu diễn văn hoá nghệ thuật dọc theo bờ sông Hậu.

    Cụm du lịch Cù Lao Dung: du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, thăm quan di tích văn hoá, lịch sử, du lịch thể thao, giải trí. Huy động đầu tư xây dựng Khu du lịch Cù Lao Dung gồm các khu chức năng khách sạn, nhà hàng, giải trí, khu thể thao, bể bơi, bến tàu du lịch. Tôn tạo Đền thờ Bác Hồ (xã An Thạnh Đông), Bia chiến thắng Rạch Già.

    Cụm du lịch Ngã Năm - Long Bình: du lịch sông nước, nhà vườn, thăm quan di tích văn hoá, lịch sử, chợ nổi Ngã Năm, vườn cò Long Bình. Đầu tư phát triển khu du lịch Ngã Năm, tôn tạo di tích Đài Chiến thắng.

   Cụm du lịch Châu Thành - Mỹ Tú: du lịch Khu căn cứ rừng tràm Mỹ Phước, Làng Văn hóa Dân tộc (Phú Tân).

    Ngoài ra, hình thành và phát triển cụm du lịch chùa Chén Kiểu, xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên) và cụm du lịch Cái Côn - An Tấn - An Công (Kế Sách).
Với chính sách khuyến khích đầu tư thông thoáng và tiềm năng lợi thế do thiên nhiên ưu đãi, huy vọng trong tương lai không xa, nhất là khi các dự án du lịch trọng điểm được triển khai và đưa vào hoạt động, du lịch Sóc Trăng sẽ thu hút thêm nhiều du khách các vùng trong cả nước và khách quốc tế đến Sóc Trăng như đến một trong những địa danh nổi tiếng của cả nước./.


[1] . Nguồn Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
[2] . Nguồn Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
[3]. Nguồn Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch
[4] . Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 02/08/2016 của Tỉnh ủy Sóc Trăng.

                                                                                     Phạm Chânh Tông
 
                                                                               Khoa Lý luận Mác - Lênin
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: chi tiết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn