14:48 +07 Thứ sáu, 19/04/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
Học viện hành chính
HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN
Học viện Chính trị khu vực IV
Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam
Trang thông tinh điện tử Đảng bộ tỉnh Sóc trăng
SocTrang.gov.vn
csdl.thutuchanhchinh.vn/
Biển và Hải đảo Việt Nam

Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu » Công tác khoa học

Nghiên cứu khoa học là đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thứ ba - 30/10/2018 15:54

                                                                              Ths Lưu Diễm Trang
                                                                            Khoa Lý luận Mác-Lênin   

                                                                       
         Chủ tịch Hồ Chí Minh sau bao năm bôn ba năm châu bốn bể tìm đường cứu nước, cứu dân tộc, từng đi nhiều, thấy nhiều, học nhiều, suy nghĩ nhiều, Hồ Chí Minh thấm thía nguyên nhân mất nước của dân tộc. Sống trong lòng nước Pháp đế quốc thực dân hùng mạnh, có nền khoa học kỹ thuật phát triển hàng đầu thế giới vào đầu thế kỷ XX, Người đã đúc kết nên chân lý gắn giáo dục với sức mạnh nội tại của một dân tộc: "một dân tộc dốt là một dân tộc yếu"[[1]]. Trong "ham muốn tột bậc" của vị lãnh tụ tối cao của Đảng và dân tộc, bên cạnh ham muốn "làm cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc" là ham muốn "ai cũng được học hành"[[2]]. Các tác phẩm của Người tàng chứa những tư tưởng quý báu để động viên mọi người hăng hái học tập, học suốt đời, học những điều cơ bản, thiết thực. Điều mà Người hay nhắc nhở là học cái cơ bản, học điều thiết thực gắn với trình độ, với hoàn cảnh, với nhu cầu của cá nhân và cộng đồng, học gắn với hành, với xây dựng nếp sống văn hoá. Đối với vị trí của người giảng viên Trường Chính trị việc học tập không ngừng là vô cùng cần thiết để hỗ trợ tốt cho công tác chuyên môn. Học không chỉ qua các lớp nâng cao kiến thức mà tự học, tự nghiên cứu mới là điều cần làm để không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn, kiến thức thực tế để bổ sung vào bài giảng. Một trong những cách tự học hiệu quả đó là công tác nghiên cứu khoa học. Trong quá trình nghiên cứu khoa học bản thân mỗi giảng viên còn rèn luyện chính mình, hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn và nâng cao uy tính. Như vậy, khoa học là gì? Nghiên cứu khoa học là gì? Giảng viên thực hiện nghiên cứu khoa học qua hình thức ra sao? Là những câu hỏi cần lời giải đáp.

        Khoa học là quá trình nghiên cứu nhằm khám phá ra những kiến thức mới, học thuyết mới,… về tự nhiên và xã hội. Những kiến thức hay học thuyết mới nầy, tốt hơn, có thể thay thế dần những cái cũ, không còn phù hợp (Ví dụ: Quan niệm thực vật là vật thể không có cảm giác được thay thế bằng quan niệm thực vật có cảm nhận). Như vậy, khoa học bao gồm một hệ thống tri thức về quy luật của vật chất và sự vận động của vật chất, những quy luật của tự nhiên, xã hội, và tư duy. Hệ thống tri thức này hình thành trong lịch sử và không ngừng phát triển trên cơ sở thực tiễn xã hội. Phân biệt ra hai hệ thống tri thức: tri thức kinh nghiệm và tri thức khoa học.

        Nghiên cứu khoa học là hành động tìm hiểu, quan sát, thí nghiệm,… dựa trên những số liệu, dữ liệu, tài liệu thu thập được để phát hiện ra bản chất, quy luật chung của sự vật, hiện tượng, tìm ra những kiến thức mới (đây là hướng nghiên cứu hàn lâm) hoặc tìm ra những ứng dụng kỹ thuật mới, những mô hình mới có ý nghĩa thực tiễn (đây là hướng nghiên cứu ứng dụng).

       Người muốn làm nghiên cứu khoa học phải có những kiến thức nhất định về lĩnh vực nghiên cứu nhưng chủ yếu là phải rèn luyện cách làm việc tự lực và có phương pháp. Do đó, là giảng viên thực hiện nghiên cứu khoa học là phát huy khả năng tự học để trau dồi những kiến thức cần thiết, đồng thời việc lựa chọn đề tài nên phù hợp với khả năng của mình (bao gồm sự phù hợp về kiến thức, thời gian, tài lực,…).

      Mục đích là hướng đến một điều gì hay một công việc nào đó trong nghiên cứu mà người nghiên cứu mong muốn để hoàn thành, nhưng thường thì mục  đích khó có thể đo lường hay định lượng. Nói cách khác, mục đích là sự sắp đặt công việc hay điều gì đó được đưa ra trong nghiên cứu. Mục đích trả lời câu hỏi “nhằm vào việc gì?”, hoặc “để phục vụ cho điều gì?” và mang ý nghĩa thực tiễn của nghiên cứu, nhắm đến đối tượng phục vụ sản xuất, nghiên cứu. Mục tiêu là thực hiện điều gì hoặc hoạt động nào đó cụ thể, rõ ràng mà người nghiên cứu sẽ hoàn thành theo kế hoạch đã đặt ra trong nghiên cứu. Mục tiêu có thể đo lường hay định lượng được. Nói cách khác, mục tiêu là nền tảng hoạt động của đề tài và làm cơ sở cho việc đánh giá kế hoạch nghiên cứu đã đưa ra, và là điều mà kết quả phải đạt được. Mục tiêu trả lời câu hỏi “làm cái gì?”

     Hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên Trường Chính trị có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: viết bài thu hoạch Nghị quyết, hướng dẫn viết tiểu luận, báo cáo nghiên cứu thực tế, hướng dẫn làm khóa luận tốt nghiệp, hay thực hiện những nghiên cứu khoa học ở cấp khoa, trường, tỉnh, viết bài cho Nội San Trường, báo, Tạp chí,... Hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên được thực hiện nhằm ba mục đích đó là: Góp phần nâng cao chất lượng đào tạo; Tiếp cận và vận dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học; Giải quyết một số vấn đề khoa học và thực tiễn.

        Đối với giảng viên công tác khoa học là cần thiết góp phần thực hiện phong trào đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

       Nghiên cứu khoa học là cách chúng ta bổ sung những kiến thức lý luận mới và cả kiến thức thực tiễn.
     
       Trong quá trình nghiên cứu khoa học với từng đề tài cụ thể giúp giảng viên nắm bắt những thông tin mới, lý luận mới thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Kiến thức thực tiễn cũng được khái quát vào nội dung các bài viết, đề tài nghiên cứu từ đó góp phần giúp giảng viên tích lũy thêm kiến thức.        
               
        Nghiên cứu khoa học giúp chúng ta đào sâu hơn những kiến thức được học.   Thông qua phân tích, đánh giá, liên tưởng, kết hợp với những điều mới để giải quyết những vấn đề ta quan tâm, thắc mắc,… từ một vấn đề sẽ mở rộng ra nhiều vấn đề làm phong phú kiến thức cũng như vốn sống chúng ta.

       Những bài học bổ ích rút ra từ công việc nghiên cứu. Kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả, kết hợp nhuần nhuyễn giữa các thành viên trong đội khi tham gia viết đề tài khoa học. Bên cạnh đó, công việc nghiên cứu cũng gặp rất nhiều khó khăn, rắc rối,… nhưng từ những bài học đó giúp giảng viên rút ra những kinh nghiệm quý giá mà chính bản thân tự chiêm nghiệm, và thay đổi từ đó góp phần tu dưỡng đạo đức góp phần học tập làm theo Bác.

      Những kinh nghiệm viết báo cáo, chuyên đề hay hướng dẫn học viên làm khóa luận tốt nghiệp rất bổ ích cho giảng viên trong việc cập nhật thông tin tại các địa phương trong tỉnh. Từ đó, giảng viên có thể vận dụng vào bài giảng để học viên dễ hiểu hơn, vận dụng tốt hơn lý luận vào thực tiễn địa phương từ đó góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh và của nước nhà.

      Bác luôn nhắc nhở "học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời", những điều được học, được nghiên cứu tại trường chỉ có thể ví như một "hạt nhân bé nhỏ" mà người học "sẽ tiếp tục săn sóc, vun xới, làm cho mọc thành cây và dần dần nở hoa, kết quả"[[3]]. Người khẳng định là trong cách học thì "lấy tự học làm cốt"[[4]]. Có thể thấy Hồ Chí Minh đã rất coi trọng trách nhiệm tự học của chính người học, tự học thêm để làm chủ được tri thức, để biến hạt hiểu biết cơ bản được gieo xuống ban đầu trong đầu óc mình nảy nở thành cây tri thức vững chãi. Nghiên cứu khoa học chính là cách tự học hiệu quả để người học rèn luyện chính bản thân mình về cả đạo đức lẫn kiến thức chuyên môn.

     Đối với công tác đào tạo của Nhà trường, nghiên cứu khoa học giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong nhà trường, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, giúp giảng viên và học viên từng bước hoàn thiện kiến thức, tiếp cận các vấn đề khoa học một cách thuận lợi hơn.

     Trong thời gian qua, Công tác Nghiên cứu khoa học tại Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng luôn được Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường tạo điều kiện, quan tâm và theo dõi chặt chẽ theo quy định của Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

      Những bài viết của giảng viên Trường được đánh giá cao về chất lượng và được đăng ở nhiều tờ báo, tạp chí có uy tính như: Báo Sóc Trăng, Tạp chí Triết học, Tạp chí Xây dựng Đảng, Tạp chí Tôn giáo,… Trường vinh dự là Trường Chính trị có 01 giảng viên được khen tặng là giảng viên nghiên cứu khoa học trẻ giỏi duy nhất toàn quốc. Đây được xem là một trong những tiêu chí xét thi đua cuối năm ở Trường.

      Tuy nhiên, công tác nghiên cứu khoa học tại Trường còn một số vấn đề như: số lượng bài viết còn ít so với số lượng cán bộ, giảng viên, chất lượng bài viết chưa đồng đều, chế độ hỗ trợ khuyến khích chưa được thực hiện đầy đủ và kịp thời. Trong thời gian tới để Công tác nghiên cứu khoa học mang lại kết quả cao hơn và gắn với công tác học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách đạo đức Hồ Chí Minh cần thực hiện một số giải pháp sau:

     Một là, Trường cần có chế độ phụ cấp cho Cán bộ, giảng viên khi có bài viết tham được đăng trên Nội San và Website của Trường.

     Hai là, Trường cần có chế độ khen thưởng, nêu gương hằng năm đối với cán bộ, giảng viên có thành tích nghiên cứu khoa học cao.

     Ba là, gắn nội dung nghiên cứu khoa học vào bảng đăng ký học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách đạo đức Hồ Chí Minh.

     Bốn là, Chi đoàn Trường cần thành lập câu lạc bộ giúp nhau trong nghiên cứu khoa học tại trường.

     Năm là, Ban giám hiệu Trường thường xuyên cử cán bộ giảng viên tham gia các cuộc Hội thảo khoa học tại các Trường Chính trị Đồng Bằng sông Cửu Long.

     Tóm lại, công việc nghiên cứu khoa học lấy đi nhiều công sức và thời gian của chúng ta nhưng thành quả nó đền đáp cho người có công quả xứng đáng. Đơn giản chúng ta thấy hạnh phúc khi mình làm gì đó dù nhỏ bé nhưng đáng để trân trọng, và ghi nhớ. Nghiên cứu khoa học cũng là việc làm cụ thể để chúng ta học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Bác từng ngày từng giờ, phấn đấu suốt đời “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại./.

 
 


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.8.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 4, tr.161-162.
 
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, tr.215.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà.2002, tr 273.   
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn