21:04 +07 Thứ năm, 28/03/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
Học viện hành chính
HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN
Học viện Chính trị khu vực IV
Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam
Trang thông tinh điện tử Đảng bộ tỉnh Sóc trăng
SocTrang.gov.vn
csdl.thutuchanhchinh.vn/
Biển và Hải đảo Việt Nam

Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu » Công tác khoa học

Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn hiện nay

Thứ năm - 21/12/2017 09:32

 
     Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn còn khó khăn

     Trong những năm qua, Nhà nước luôn có những chính sách quan tâm tới việc làm cho lao động nông thôn, cũng như đào tạo nghề cho khối lao động này. Điển hình như: Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956); Quyết định số 1201/QĐ-TTg, ngày 31/08/2012 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012-2015; Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg, ngày 24/12/2014, quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp la 6 triệu đồng/khóa; Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg, ngày 10/12/2015 về chính sách hỗ trợ đào tào nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất, có hiệu lực từ ngày 01/02/2016.

    Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ năm 2010-2015, có gần 2,4 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng (trong đó, 47,2% học nghề nông nghiệp và 57,3% học nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề sang công nghiệp, dịch vụ). Sau khi học xong, 78,7% lao động có việc làm mới, hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất và thu nhập cao hơn. Gần 60.000 hộ nghèo có người sau học nghề đã thoát nghèo, chiếm 24,5% so người nghèo được hỗ trợ học nghề. Trên 98.000 hộ có người sau học nghề đã trở thành hộ khá.

   Như vậy, có thể thấy, đào tạo nghề nói riêng, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nói chung đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ, giảm tỷ lệ lao động.

   Tuy nhiên, giải quyết việc làm  cho lao động nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ thất nghiệp cũng như thiếu việc làm ở khu vực này vẫn cao. Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016, tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực nông thôn là 1,83%, có xu hướng tăng lên so với các năm trước đây (năm 2014 là 1,54%; năm 2015 là 1,49%). Trong khi đó, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi lao động năm 2016 là 1,82% (năm 2014 là 2,75%; năm 2015 là 2,40%), trong đó, khu vực nông thôn là 2,32% (năm 2014 là 3,31%; năm 2015 là 2,96%). Trong năm 2016, cả nước có 56% lao động có việc làm phi chính thức, trong đó nông thôn là 64,3% (năm 2014 là 67,9%; năm 2015 là 66,0%).

Nguyên nhân vì sao?

    Theo nghiên cứu nguyên nhân của tình trạng trên là do:

    Thứ nhất, một bộ phận người lao động trong diện thu hồi đất nông nghiệp và mặt bằng sản xuất nên đã rơi vào tình trạng thất nghiệp. Những năm gần đây, do tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khá cao, dẫn đến quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Theo Bộ Xây dựng, tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam đạt khoảng 3,5%/năm, đa số diễn ra ở những đô thị lớn. Xu hướng trên dẫn đến quỹ đất nông nghiệp bị thu hẹp trong tổng quỹ đất tự nhiên của các huyện ngoại thành. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mỗi hecta đất nông nghiệp bị chuyển đổi sẽ có 20 lao động bị mất việc làm.

   Thứ hai, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo, không có bằng cấp ở nông thôn còn khá cao, gây ra nhiều khó khăn trong việc áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tăng thu nhập cho người dân cũng như giải quyết việc làm.

   Thứ ba, đào tạo nghề cho lao động vẫn chưa đạt hiệu quả cao, dẫn tới tình trạng người lao động vẫn thiếu hụt việc làm hoặc chỉ có việc làm phi chính thức. Theo kết quả Đề án 1956 (Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020), sau 5 năm thực hiện (2010 -2014), đã có hơn 2,1 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách của Đề án, đạt 90,4% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, việc đào tạo còn chưa sát với thực tế dẫn tới hiệu quả chưa cao, khó vận dụng được vào thực tế hoặc vận dụng nhưng không tạo được thay đổi.

   Cơ cấu đào tạo nghề còn bất cập, chủ yếu đào tạo các nghề nông nghiệp. Các nghề phi nông nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp - xây dựng - dịch vụ, những nghề phục vụ các khu công nghiệp và xuất khẩu lao động vẫn còn khó khăn.

Một số giải pháp

    Vì vậy, để giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn trong điều kiện thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay, theo chúng tôi, cần quan tâm tới một số vấn đề sau:

   Thứ nhất, tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đẩy nhanh phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá, tập trung tăng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn để có điều kiện ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến cho những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao, lúa cao sản để trở thành sản phẩm hàng hoá. Từng bước công nghiệp hoá, hiện đại hoá chăn nuôi, gắn chăn nuôi với chế biến. Trên cơ sở tập quán chăn nuôi, hình thành mạng lưới nhân giống, cải tạo dần cơ cấu giống, nâng cao chất lượng, sản lượng thịt phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

   Thứ hai, khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống đi đôi với xây dựng làng nghề mới. Trên thực tế, các làng nghề truyền thống thu hút một số lượng lớn lao động nông thôn. Vì vậy, cần phải khôi phục, lựa chọn phát triển mạnh các ngành nghề truyền thống đã có và đang được phát huy có hiệu quả, như: Nghề sản xuất cói, thêu ren, mây tre đan, mộc mỹ nghệ cao cấp, chế tác đá, dệt, may, chế biến nông, thuỷ sản... Thông qua công tác phát triển, mở rộng các làng nghề truyền thống thành xã nghề, xây dựng làng nghề mới và phát triển tiểu - thủ công nghiệp, chế biến nông, lâm, thủy sản với quy mô vừa và nhỏ. Cần có kế hoạch xây dựng, mở rộng phát triển những ngành nghề truyền thống mang hiệu quả kinh tế thiết thực, nhằm khai thác một cách đầy đủ nhất các lợi thế về lao động, nguyên liệu và về tay nghề... của các địa phương trên cả nước.

   Thứ ba, phát triển kinh tế tư nhân và loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo ra nhiều việc làm cho người lao động ở nông thôn, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững. Đồng thời, cần củng cố, đẩy mạnh phát triển các loại hình tổ hợp tác, hợp tác xã làm dịch vụ sản xuất cho kinh tế hộ, như: Dịch vụ kỹ thuật, bảo vệ thực vật, nhân giống và cung cấp giống; dịch vụ điện nước, tài chính, thương mại, tiêu thụ sản phẩm... Thực hiện tốt vai trò liên kết, cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng thể hiện qua việc thu mua nông sản, đảm bảo quyền lợi cho xã viên và người lao động trong hợp tác xã. Đây mạnh phát triển kinh tế hộ ở nông thôn trong tất cả các lĩnh vực, ngành hoạt động mà kinh tế hộ có thể tham gia.

   Thứ tư, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống, phát huy các mô hình phát triển dịch vụ hiện có, nhanh chóng đưa dịch vụ trở thành mũi nhọn. Phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, như: Bưu chính viễn thông, tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn, dịch vụ kỹ thuật cây trồng, vật nuôi, dịch vụ cơ khí nông thôn... Củng cố và phát triển mạng lưới thương nghiệp nông thôn với sự tham gia của các thành phần kinh tế, đảm bảo cung ứng kịp thời các công cụ, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và các nhu yếu phẩm cần thiết cho nông dân. Đẩy mạnh phát triển du lịch, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch, các hình thức huy động các nguồn vốn đầu tư trong nước và quốc tế để có vốn phát triển ngành du lịch ở các vùng, địa phương có lợi thế về phát triển ngành này.

   Thứ năm, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, chú trọng phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ để tạo cơ cấu vững chắc cho việc  làm ở nông thôn. Trước hết, phải hết sức coi trọng khai thác thị trường trong nước, khu vực đi đôi với việc khai thác mở rộng thị trường ở nước ngoài. Thực hiện cơ chế thông thoáng trong lưu thông hàng hoá, nâng cao chất lượng hàng hoá, phát triển sản xuất các loại sản phẩm hàng hoá, như: Lúa hàng hoá, sản phẩm chế biến, thủy sản, chăn nuôi, đá mỹ nghệ, thêu ren, đồ gỗ xuất khẩu. Thực hiện tốt việc gắn kết giữa các đơn vị, cơ sở chế biến nông sản, tiêu thụ sản phẩm với người sản xuất để thúc đẩy sản xuất phát triển.

   Thứ sáu, đổi mới phương pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phương hướng chung là không đào tạo tràn lan, mà phải phù hợp với nhu cầu của từng địa phương (huyện, tỉnh), có kết nối với chương trình việc làm quốc gia. Cụ thể cần tập trung vào những vấn đề sau:

   (i)  Xây dựng và triển khai dự án (hay chương trình) về đào tạo nghề cho những người thuộc diện thu hồi đất để phát triển công nghiệp và đô thị. Mấu chốt là từ khâu quy hoạch, cấp phép đầu tư cho đến xây dựng kết cấu hạ tầng trong và ngoài "hàng rào" các khu công nghiệp, khu đô thị mới... phải có kinh phí cho việc đào tạo nghề đối với người dân bị thu hồi đất.
   (ii) Tiếp tục đào tạo nghề theo các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Đây là các hình thức đào tạo đã khá ổn định, cần tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia và nâng cao chất lượng những người tham gia đào tạo.

   (iii) Hỗ trợ đào tạo nghề theo chiến lược xuất khẩu, kể cả hỗ trợ đào tạo nghề để tham gia xuất khẩu lao động. Các địa phương cần thực hiện có hiệu quả các hình thức hỗ trợ theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg, ngay 29/04/2009 phê duyệt "Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020". Trong đó có những chính sách: Hỗ trợ người lao động học bổ túc văn hóa, học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết để tham gia xuất khẩu lao động; cho người lao động vay tín dụng ưu đãi với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng cho đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động; Các cơ sở dạy nghề cho xuất khẩu lao động cũng được vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư tăng quy mô đào tạo. Đối với các lĩnh vực xuất khẩu khác cũng cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề như vậy.

   (iv) Liên kết nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà trường để đào tạo nghề. Đây là giải pháp có tính xã hội hóa, nhằm hướng vào những lao động và doanh nghiệp ở nông thôn có nhu cầu đào tạo nghề cho mình và cho những người khác. Sự liên kết giữa họ với các trường dạy nghề sẽ thúc đẩy hình thành mạng lưới các điểm đào tạo nghề theo hướng chính quy và bảo đảm "đầu ra" của công tác đào tạo./.

                                                                                      Nguyễn Minh Sang
                                                                                Khoa Lý luận Mác - Lênin
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn