06:41 +07 Thứ tư, 17/04/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
Học viện hành chính
HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN
Học viện Chính trị khu vực IV
Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam
Trang thông tinh điện tử Đảng bộ tỉnh Sóc trăng
SocTrang.gov.vn
csdl.thutuchanhchinh.vn/
Biển và Hải đảo Việt Nam

Trang nhất » Tin Tức » Tin tức - sự kiện » Bản tin

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn hiện nay

Thứ hai - 30/12/2019 09:49

   Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ ở Việt Nam. Trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0), với những tác động của khoa học, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, ngày nay công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp có thêm nhiều cơ hội để nâng cao hiệu lực, hiệu quả; Tuy nhiên, vẫn còn không ít những thách thức cần phải vượt qua.

   Đảng ta, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc đổi mới giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới, Hội nghị Trung ương 8 khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, xác định rõ mục tiêu cụ thể đối với giáo dục nghề nghiệp là cần phải: “Tập trung đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp. Hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp với nhiều phương thức và trình độ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật công nghệ của thị trường lao động trong nước và quốc tế”.

   Chức năng, nội dung về quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục nghề nghiệp và và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Ngày 03/9/2016 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP thống nhất giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; Nghị định số 15/2019/NĐ-CP, ngày 01 tháng 02 năm 2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, như: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.

   Từ đó, công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trong thời gian qua đạt được nhiều thành tựu quan trọng ở nhiều góc độ, khía cạnh như: Trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có nhiều đổi mới, hiệu quả hơn; quy chế tuyển sinh; kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; về tổ chức bộ máy quản lý đã kiện toàn hơn; quy định tiêu chuẩn nhà giáo; danh mục nghề đào tạo ở các trình độ; về cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo được quan tâm nhiều hơn; quản lý, tổ chức công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ; sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về đào tạo nghề nghiệp ngày càng được hoàn thiện....

   Nhà nước đã phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp với quan điểm mở, linh hoạt, đa dạng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, liên thông giữa các trình độ giáo dục nghề nghiệp và liên thông với các trình độ đào tạo khác; Ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp được ưu tiên trong tổng chi ngân sách nhà nước dành cho giáo dục, đào tạo; được phân bổ theo nguyên tắc công khai, minh bạch, kịp thời[1]…. Nhờ đó, chất lượng giáo dục nghề nghiệp đã có những chuyển biến đáng kể. Năm 2018, việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo đã vượt chỉ tiêu theo kế hoạch với hơn 2,2 triệu người, đạt 100,5% so với kế hoạch; tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng, tại chức có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt khoảng 85% và tại các trường chất lượng cao đạt 100% với mức lương khởi điểm bình quân của sinh viên cao đẳng sau khi tốt nghiệp đạt 6,0 triệu đồng/tháng. Một số ngành, nghề có mức lương khá cao, như nghề: Điều khiển phương tiện thủy nội địa 7,5 triệu; Vận hành cần, cẩu trục khoảng 8 triệu...”[2].

   Bên cạnh những kết quả thành tựu đạt được, công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp vẫn còn có những tồn tại, hạn chế nhất định, cùng với đó là không ít những thách thức đang đặt ra. Trong giai đoạn hiện nay như: Việc ban hành văn bản cũng như hệ thống văn bản còn nhiều hạn chế, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Việc đào tạo chưa gắn liền với sử dụng hợp lý, đào tạo tràn lan, tình trạng thất nghiệp còn nhiều. Mặc dù thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đã được quan tâm đầu tư ứng dụng mạnh mẽ thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ; nhưng trước xu thế mới, thách thức về năng lực ứng dụng khoa học, công nghệ lại là một “nút thắt” cần phải được tháo gỡ. Ngược lại, nếu việc ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào họat động quản lý nhà nước một cách chậm chạp, kém hiệu quả thì khả năng tụt hậu là không thể tránh khỏi.

   Từ những hạn chế, bất cập trên để công tác giáo dục nghề nghiệp đạt yêu cầu, hiệu quả đáp ứng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần thực hiện một số giải pháp sau:

   Một là, trước môi trường khoa học, công nghệ không ngừng biến đổi, thể chế quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đảm bảo tính linh động và co dãn hơn. Xây dựng chính sách, pháp luật đảm bảo tiêu chí co dãn và linh hoạt là một trong những điều kiện quan trọng nhằm giúp cho quá trình tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình mục tiêu và các đề án, dự án về giáo dục nghề nghiệp thật sự có hiệu lực, hiệu quả.
   
   Hai là
, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần tiến hành công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, hoạt động theo hướng tinh gọn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

   Ba là, có cơ chế mạnh mẽ hơn trong việc khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, cá nhân thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia hoạt động đào tạo nghề nghiệp.

   Bốn là, chú trọng nâng cao năng lực của đội ngũ công chức quản lý về giáo dục nghề nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

   Năm là, cần tăng cường hợp tác và học tập kinh nghiệm nước ngoài về quản lý giáo dục nghề nghiệp; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra; phát hiện những sai phạm, xử lý nghiêm minh, triệt để./.

 
TÀI LIỆU THAM KHẢO

   1. Tổng cục Dạy nghề phản hồi về quản lý nhà nước giáo dục nghề nghiệp, http://phanhoichinhsach.molisa.gov.vn/tin-tuc-su-kien/-/asset_publisher/0Vb3Tb9V6WVx/content/tong-cuc-day-nghe-phan-hoi-ve-quan-ly-nha-nuoc-giao-duc-nghe-nghiep
 
   2. Phạm Thị Minh Hiền, Các yếu tố thành công của hệ thống đào tạo nghề kép của CHLB Đức và giá trị tham khảo với Việt Nam, http://gdnn.gov.vn/AIAdmin/News/View/tabid/66/newsid/37109/seo/Cac-yeu-to-thanh-cong-cua-he-thong-dao-tao-nghe-kep-cua-CHLB-Duc-va-gia-tri-tham-khao-voi-Viet-Nam/Default.aspx
 
   3. PGS.TS. Lê Quân, Những đột phá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, http://laodongxahoi.net/nhung-dot-pha-nham-nang-cao-chat-luong-giao-duc-nghe-nghiep-1309144.html
 
   4. Giáo dục nghề nghiệp trước yêu cầu đổi mới, https://vtv.vn/giao-duc/giao-duc-nghe-nghiep-truoc-yeu-cau-doi-moi-20181222130436771.htm
 
   5. Nguyễn Lê Hà, Điểm yếu trong dạy nghề: Hạn chế, thiếu hội nhập, chất lượng thấp, duthaoonline.vn
 
   6. Phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, https://tapchigiaoduc.moet.gov.vn/vi/dao-tao-viec-lam/dao-tao-viec-lam/huong-huong-nhiem-vu-nam-2019-ve-phat-trien-giao-duc-nghe-nghiep-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-45.html 

Tác giả bài viết: Lê Thị Cẩm Tú - Giảng viên Khoa Nhà nước & pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn