16:42 +07 Thứ năm, 28/03/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
Học viện hành chính
HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN
Học viện Chính trị khu vực IV
Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam
Trang thông tinh điện tử Đảng bộ tỉnh Sóc trăng
SocTrang.gov.vn
csdl.thutuchanhchinh.vn/
Biển và Hải đảo Việt Nam

Trang nhất » Tin Tức » Tin tức - sự kiện » Bản tin

Phát triển văn hóa Việt Nam hiện nay - Thách thức và vận hội

Thứ hai - 04/04/2016 14:24
TCCSĐT - Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng đề ra yêu cầu đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Làm cho giá trị văn hoá thấm sâu vào mọi lĩnh vực, mọi mặt hoạt động, mọi quan hệ xã hội, thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển bền vững. Thực hiện nhiệm vụ đó, văn hóa Việt Nam cần vượt qua những thách thức, nắm bắt các cơ hội trên con đường phát triển.

Thách thức đối với quá trình phát triển văn hóa

      Thứ nhất, ngày nay văn hóa cũng như các ngành kinh tế khác, trước tiên phải chịu sự quy định của các quy luật kinh tế thị trường, cơ bản là quy luật lợi nhuận. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, kinh tế và văn hóa gắn liền với nhau hết sức chặt chẽ, kinh tế không tự mình phát triển nếu thiếu nền tảng văn hóa và văn hóa không phải là sản phẩm thụ động của kinh tế. Phát triển văn hóa do đó, phải trên cơ sở kết hợp hài hòa với phát triển kinh tế. 

     Kinh tế quy định và quyết định văn hóa, vì xét đến cùng, kinh tế là nền tảng vật chất của văn hóa. Ở phương diện này, kinh tế tác động đến văn hóa có thể đồng thời hoặc riêng rẽ qua 3 hướng sau: a/ tác động cùng chiều với sự phát triển văn hóa; b/ tác động ngược chiều với sự phát triển văn hóa; c/ tác động cùng chiều ở khía cạnh này, lĩnh vực này song lại tác động ngược chiều ở khía cạnh khác, lĩnh vực khác.

    Văn hóa tác động đến kinh tế, về đại thể, cũng theo 3 hướng như vậy. Sự tác động của văn hóa đến kinh tế, dù theo hướng nào thì nhìn chung cũng đều cho kết quả tích cực, cho trước mắt, đặc biệt cho lâu dài. Vì văn hóa, xét ở hàm nghĩa cơ bản nhất của nó, là kết tinh của các hoạt động kinh tế và các hoạt động xã hội nói chung; nói cách khác, là giá trị của các hoạt động đó. Mà đã là giá trị thì chỉ có ý nghĩa tốt đẹp và có ích cho xã hội, trong đó có kinh tế. 

    Tuy vậy, văn hóa chỉ tác động đến kinh tế khi quy kinh tế và văn hóa cùng về hình thái giá trị; tức là cùng quy về lợi nhuận tinh thần. Mà lợi nhuận tinh thần thì thường không trùng khít với lợi nhuận vật chất. Nhiều lĩnh vực văn hóa (nếu không nói là tất cả) tương tự như các ngành kinh tế khác, trước tiên phải chịu sự quy định của các quy luật kinh tế thị trường, cơ bản là quy luật lợi nhuận. Và đây là thách thức hơn là cơ hội đối với văn hóa. 

    Vì thế, khi xác định mục tiêu, giải pháp phát triển văn hóa phải căn cứ và hướng tới mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, để phát triển văn hóa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Khi xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội phải đồng thời xác định mục tiêu văn hóa, hướng tới xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao. Muốn vậy, phải có chính sách kinh tế trong văn hóa để gắn văn hóa với hoạt động kinh tế, khai thác tiềm năng kinh tế, tài chính hỗ trợ cho hoạt động văn hóa. Đồng thời, xây dựng chính sách văn hóa trong kinh tế để chủ động đưa các yếu tố văn hóa thâm nhập vào các hoạt động kinh tế - xã hội. 

    Thứ hai, sự lấn lướt của văn hóa “chạy” theo thị trường. Trong nền văn hóa, kể cả ở Việt Nam hiện nay thường có 3 dạng thức văn hóa tồn tại, phát triển bên cạnh nhau, chồng lấn nhau là: văn hóa truyền thống, văn hóa hàn lâm, văn hóa “chạy” theo thị trường. Trong đó văn hóa “chạy” theo thị trường là kết quả và là biểu hiện cụ thể của quy luật lợi nhuận. 

    Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các nước phát triển, đặc biệt các nước phương Tây, đều coi việc xuất khẩu sản phẩm giải trí là một trong những nguồn thu lợi nhuận quan trọng. Thậm chí hình thức xuất khẩu này đang dần dần lấn lướt những hình thức xuất khẩu truyền thống. 

    Bản chất của văn hóa “chạy” theo thị trường là vì lợi nhuận, và được thể hiện ở “tính hiện đại” gắn liền với tiêu dùng thông tin, văn hóa phẩm theo kiểu “đám đông”, đặc biệt của nước ngoài. Văn hóa “chạy” theo thị trường tập trung vào những hình thức giải trí nhằm tạo ra ảo giác tiêu dùng, vào “lối sống sành điệu” của “mẫu người tiêu dùng” thụ động. Nó làm tha hóa sự cảm thụ văn hóa ở người dân, mà biểu hiện cụ thể là sự vô cảm văn hóa. Thông qua đó, nó tước đi sự nhạy cảm, cảm xúc văn hóa chân chính của công chúng, thậm chí làm cho một bộ phận người dân coi các hành động bạo lực là hoạt động bình thường và có thể chấp nhận được. Hậu quả lớn nhất của văn hóa “chạy” theo thị trường là làm suy giảm tình thương đồng loại ở con người, chứ không chỉ dừng lại ở sự vô cảm văn hóa.

    Như vậy, văn hóa “chạy” theo thị trường luôn luôn là thách thức rất lớn đối với quá trình phát triển của văn hóa không chỉ ở nước ta. Việc điều tiết, chế ngự văn hóa “chạy” theo thị trường, đương nhiên, không thể chỉ dựa vào các biện pháp kinh tế, luật pháp, mà phải dựa vào bản lĩnh văn hóa dân tộc và đường hướng phát triển nền văn hóa Việt Nam theo phương châm “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

    Thứ ba, thích nghi với sự đa dạng văn hóa và tính khoan dung văn hóa trong bối cảnh đan xen giữa hội nhập văn hóa và xung đột văn minh tại mỗi nước và trên phạm vi thế giới. Đối với Việt Nam, điều kiện địa lý, hoàn cảnh lịch sử đã tạo nên truyền thống khoan dung văn hóa. Việt Nam đã tiếp nhận văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, Pháp, Liên Xô cũ,... Từ tiền đề lịch sử đó, có thể phải tìm ra được cách thức xử lý mối quan hệ giữa hội nhập văn hóa với xung đột văn minh trong quá trình phát triển của văn hóa Việt Nam với sự tác động của các quá trình toàn cầu hóa như ngày nay.

    Vì vậy, vừa phải bảo vệ bản sắc dân tộc, vừa phải mở rộng giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Bởi lẽ, việc phát triển văn hóa Việt Nam không thể tách rời với văn hóa thế giới, phải kết hợp việc mở cửa đón nhận truyền thống văn hóa bốn phương, tiếp nhận cái tốt, cái thích hợp, loại bỏ cái xấu, không thích hợp. Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc văn hóa các dân tộc khác để bắt kịp sự phát triển của thời đại. 

    Toàn cầu hóa tạo điều kiện để các dân tộc hiểu biết lẫn nhau, bổ sung và làm giàu cho nền văn hóa dân tộc mỗi nước. Điều này rất phù hợp với quy luật vận động và phát triển của văn hóa. Toàn cầu hóa kinh tế quốc tế là một xu thế, đòi hỏi chúng ta phải chủ động và tích cực hội nhập. Đây là cơ hội để chúng ta phát triển nhanh có hiệu quả, nhưng cũng là thách thức rất lớn với nước ta trên nhiều mặt, trong đó có cả văn hóa. Sự thâm nhập của văn hóa độc hại, của sự lai căng văn hóa, của lối sống thực dụng và những tiêu cực khác của kinh tế thị trường, đã và đang ảnh hưởng, làm băng hoại những giá trị văn hóa truyền thống, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của đất nước. Chủ động tham gia hội nhập và giao lưu văn hóa với các quốc gia để xây dựng những giá trị mới của văn hóa Việt Nam, đồng thời góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi công dân Việt Nam.

Vận hội đối với sự nghiệp phát triển văn hóa

     Ngày nay, trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày càng có nhiều sản phẩm và dịch vụ văn hóa được đưa vào lưu thông trên thị trường. Cơ cấu ngành của lĩnh vực văn hóa ngày một phức tạp hơn. Văn hóa ngày nay không còn là một “thứ trang sức” tốn kém, mà đã trở thành một ngành kinh tế công nghiệp đặc biệt, có khả năng tự trang trải và tạo ra lợi nhuận.

     Việc lĩnh vực văn hóa trở thành ngành sản xuất - kinh doanh mang tính công nghiệp, chủ yếu là do sự tăng nhanh những nhu cầu tinh thần của con người, và sự tác động của văn hóa tới chất lượng nguồn vốn con người; từ đó, văn hóa tác động đến tăng trưởng kinh tế, chất lượng sống và môi trường sống.

    Hiện nay, trên thế giới, người ta đã đo lường được sự đóng góp của lĩnh vực văn hóa vào GDP. Chẳng hạn, tại Mỹ, vào năm 1997 mức đóng góp vào GDP của các ngành văn hóa là 4,3% và giải quyết 5,3% tổng số việc làm trong xã hội. Tại Canada, trong những năm 1994 - 1995, mức đóng góp vào GDP của văn hóa là 3,0% và giải quyết khoảng 5,0% tổng số việc làm trong xã hội. Tại Anh, người làm việc trực tiếp, gián tiếp trong ngành văn hóa là gần 1,4 triệu; mức tăng trưởng trung bình hàng năm của nó cao gấp 2 lần mức tăng trưởng trung bình của nền kinh tế nói chung (5% so với 2,5%)(1). 

    Tại Việt Nam, văn hóa cũng đang và đã trở thành một ngành công nghiệp với 2 nhóm ngành sau:

    - Nhóm “công nghiệp thông tin - truyền thông” gồm toàn bộ các cơ sở thông tin đại chúng điện tử và ấn loát (tác phẩm nghệ thuật, sách báo...), điện ảnh, ngành kinh doanh nghe - nhìn, các dịch vụ thu thập, xử lý, truyền tải và sử dụng thông tin,...

    - Nhóm “công nghiệp giải trí và thư giãn” gồm công nghiệp sản xuất dụng cụ thể dục thể thao, các liên hiệp và các tổ chức thể dục thể thao, máy ảnh và nhạc cụ, chụp ảnh, mốt thời trang, quảng cáo, ngành thủ công mỹ nghệ, ngành kiến trúc, các cơ quan văn hóa - nghệ thuật (nhà hát kịch, cải lương, tuồng, chèo, dàn nhạc giao hưởng), các nhóm nhạc nhẹ, các viện bảo tàng, thư viện, các công viên văn hóa, các trung tâm vui chơi giải trí, các hoạt động du lịch,...

     Có thể thấy cơ cấu rất phức tạp của ngành văn hóa không khác gì một ngành kinh tế thuần túy, trải rộng trong các thành phần kinh tế, kết nối không chỉ trên phạm vi quốc gia, mà cả với khu vực và quốc tế dưới tác động của các quá trình hội nhập quốc tế theo cơ chế thị trường. Cơ cấu thành phần kinh tế của nó gồm: sở hữu nhà nước, tư nhân, cổ phần và những tổ chức phi lợi nhuận, kể cả có sự tham gia của một số công ty xuyên quốc gia. Khu vực tư nhân kinh doanh hầu như tất cả các ngành thuộc hai nhóm ngành trên. Khu vực nhà nước kinh doanh những ngành có tính độc quyền như thu thập, xử lý, truyền tải thông tin, và các loại hình văn hóa - nghệ thuật có tính truyền thống, hàn lâm và có giá trị văn hóa thẩm mỹ cao, như bảo tàng, thư viện, dàn nhạc giao hưởng, nhà hát kịch,...; và rất coi trọng việc bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Để đáp ứng được các nhu cầu văn hóa đa dạng trong xã hội và dưới sự tác động của tiến bộ công nghệ mới, nhiều thiết chế văn hóa được tổ chức lại theo hướng hình thành phức hợp văn hóa đa chức năng, đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

     Sức phát triển của văn hóa ngày nay nằm chính ở tính kinh tế của nó. Văn hóa do đó, tự quyết định được vận mệnh của  mình, chứ không phải tùy thuộc vào các “mạnh thường quân” ở bên ngoài văn hóa. Quá trình xã hội hóa văn hóa, như từ thực tế Việt Nam trong những năm qua cho thấy, đã thúc đẩy ngày càng nhiều người quan tâm đến văn hóa, chi tiêu nhiều cho văn hóa, và hơn thế còn tự mình tổ chức các hoạt động văn hóa. 

     Quá trình xã hội hóa văn hóa đã làm giảm mức đầu tư của Nhà nước cho văn hóa, song lại nâng cao vai trò “cầm cân nảy mực” của Nhà nước trong quá trình phát triển văn hóa. Nhà nước tập trung vào việc xây dựng luật và các chính sách thuế để khuyến khích (hoặc hạn chế) các lĩnh vực văn hóa. Nhà nước quan tâm đến việc đầu tư phát triển những lĩnh vực mới nhằm đáp ứng và giữ vững những mức độ chuẩn trong quá trình phát triển một cách đa dạng nhu cầu văn hóa của các tầng lớp nhân dân, trước tiên ở lĩnh vực thông tin đại chúng, bảo vệ di sản văn hóa quan trọng của quốc gia. Nhà nước phối hợp với các chủ thể kinh tế trong và ngoài nước hỗ trợ cho các loại hình văn hóa - nghệ thuật phi thương mại;... Nhờ thế, mối quan hệ giữa các thiết chế nhà nước với các tổ chức văn hóa thuộc mọi thành phần kinh tế trở nên khăng khít, và có “sức nặng” thực tế trong việc quản lý, điều tiết quá trình xã hội hóa văn hóa.

     Xã hội hóa văn hóa tại Việt Nam cũng như tại nhiều nước trên thế giới, đã thúc đẩy phát triển các hình thức sáng tạo, thưởng thức văn hóa theo hướng hiện đại đồng thời cũng phục hồi cả nhiều loại hình văn hóa truyền thống. Ở Việt Nam hiện nay, nhiều họa sĩ và nhà điêu khắc đang sử dụng những vật liệu mới cùng các phương tiện điện tử để xử lý chúng. Các nhạc sĩ cũng sử dụng máy tính và công nghệ điện tử để tạo ra những âm thanh, giai điệu mới. Một số nghệ sĩ đang dàn dựng những hình thức nghệ thuật sắp đặt - trình diễn mang đậm dấu ấn cá nhân hiện đại và mang tính toàn cầu, tức là ít lệ thuộc vào gốc rễ văn hóa truyền thống. Nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn sử dụng cả nghệ thuật đặc thù của phim ảnh và truyền hình. Những viện bảo tàng lớn được nối mạng và có website. Các buổi biểu diễn ca nhạc, tạp kỹ lớn được phát trên truyền hình, và đáp ứng nhu cầu người xem theo thời gian tại bất cứ nơi nào trên đất nước.

    Các dòng người du lịch cũng làm cho Việt Nam hội nhập mạnh mẽ vào thế giới. Nhu cầu du lịch hiện nay phong phú, từ nhu cầu tham quan các danh lam thắng cảnh thiên nhiên và lịch sử văn hóa, các viện bảo tàng đến các hình thức vận động thể thao, giải trí, học tập và chữa bệnh, kể cả du lịch kết hợp với công việc (hội thảo khoa học, tư vấn, tiếp cận thị trường,...). Việt Nam có bờ biển dài, có sự đa dạng văn hóa vùng (miền),... để phát triển du lịch văn hóa. 

    Trong quá trình hội nhập quốc tế, việc trao đổi sản phẩm văn hóa nghệ thuật với nước ngoài được đẩy mạnh, chẳng hạn thông qua các Festival quốc tế; theo lời mời của các đối tác, các nhà tài trợ; tham gia các cuộc thi âm nhạc quốc tế; những ngày văn hóa Việt Nam tại các nước hay những ngày văn hóa nước ngoài tại Việt Nam. Việt Nam đã phối hợp với một số nước để tạo ra một số sản phẩm văn hóa nghệ thuật chung, thí dụ các vở kịch chung giữa nghệ sĩ Việt Nam với nghệ sĩ Mỹ, Pháp;… tác phẩm điện ảnh chung giữa Việt Nam với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật,… Đặc biệt, việc khai thác một số loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc, như rối nước, đã mang lại giá trị giao lưu văn hóa và kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế.

    Giao lưu, tiếp biến văn hóa có thể nói là một vấn đề có tính quy luật trong quá trình tồn tại, phát triển của văn hóa dân tộc, đặc biệt trong hội nhập quốc tế với sự tác động của các quá trình toàn cầu hóa như hiện nay. Trong quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế và văn hóa, cùng với việc xuất hiện những loại hình văn hóa mang tính toàn cầu, thì việc bảo tồn, phát triển và phát huy nhiều loại hình văn hóa dân tộc là một phương châm rất quan trọng, có tầm ảnh hưởng sống còn đến tương lai phát triển của văn hóa Việt Nam./.
-------------------------------------------------------- 
Chú thích:
(1) Theo Nguyễn Thanh Tuấn, Văn hóa ở các nước tư bản phát triển - đặc điểm và dự báo, Viện Văn hóa & Nxb. Văn hóa Thông tin, H. 2005, tr.107.
                                                                                              Nguyễn Thị Loan Anh
                                                                                              Đại học Văn hóa Hà Nội


 

Nguồn tin: www.tapchicongsan.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn