05:27 +07 Thứ bảy, 20/04/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
Học viện hành chính
HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN
Học viện Chính trị khu vực IV
Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam
Trang thông tinh điện tử Đảng bộ tỉnh Sóc trăng
SocTrang.gov.vn
csdl.thutuchanhchinh.vn/
Biển và Hải đảo Việt Nam

Trang nhất » Tin Tức » Tin tức - sự kiện » Bản tin

Nét đặc sắc tết Chôl Chnăm Thmây

Thứ tư - 04/02/2015 07:11
Sóc Trăng là địa bàn cư trú của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer cùng với số ít dân tộc khác, với một nền văn hóa đặc sắc và khá riêng biệt mà có thể gọi là: "văn hoá xứ giồng", thể hiện qua các mặt trong đời sống hằng ngày của người Sóc Trăng, từ ngôn ngữ, mối quan hệ xã hội, tên đất, tên làng đến tín ngưỡng tôn giáo, ẩm thực và lễ hội. Trong quá trình cộng cư lâu dài trên vùng đất này, các dân tộc gắn bó mật thiết với nhau và có sự giao lưu văn hóa. Tuy nhiên mỗi dân tộc vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng của tộc người mình. Văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer là một trong những yếu tố góp phần tạo nên nét văn hóa đặc sắc của văn hóa tỉnh Sóc Trăng.
     Nghiên cứu văn hóa lễ hội của dân tộc Khmer ta thấy rằng các lễ hội thường gắn với sinh hoạt hằng ngày, với tín ngưỡng dân gian, với nghi thức của Bà La Môn giáo và Phật giáo Tiểu thừa. Phần lớn các nghi lễ của tôn giáo trong các lễ hội cũng lại được dân tộc hóa.
     Hằng năm, cũng như đồng bào Khmer của các tỉnh khác ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long người Khmer Sóc Trăng có rất nhiều lễ hội đặc sắc trong đó có ngày Tết cổ truyền gọi là Chôl Chnăm Thmây ngoài tết Nguyên đáng chung với người Kinh và người Hoa. Có thể nói đây là ngày tết quan trọng của đồng bào dân tộc Khmer Việt Nam nói chung và Sóc Trăng nói riêng. Để hiểu rõ hơn về ngày tết Chôl Chnăm Thmây cùng với những ý nghĩa của nó, chúng ta cùng tìm hiểu về một số nét cơ bản về ngày tết này.
     Tết Chôl Chnăm Thmây thường nhằm vào tháng Tư dương lịch, người Khmer gọi là Lễ “Chôl Chnăm Thmây” có nghĩa là “Vào năm mới”, hay lễ “Chịu tuổi”. Theo quan niệm của người Khmer đây là lúc giáp nối giữa mùa nắng và mùa mưa. Giai đoạn này, cây cỏ trở nên tốt tươi và thiên nhiên trổi dậy sức sống. Chính sự đâm chồi nẩy lộc của cỏ cây và sự bừng lên của thiên nhiên đã được đồng bào quan niệm như sự khởi đầu của năm mới. Người Khmer đón Tết với ý nghĩa cũng giống như các dân tộc khác, nhưng cách tổ chức và tập tục thì khác nhau.Từ xa xưa, Chôl Chnăm Thmây đã trở thành ngày lễ hội truyền thống của dân tộc Khmer. Tết này gắn chặt với cư dân nông nghiệp làm lúa nước và một số nghi thức của Phật giáo Tiểu thừa. Dưới mái chùa chung của cả phum sóc mọi người đều hướng lòng thành kính về Đức Phật, tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên và đặt hy vọng một năm mới an lành.
     Sự tích kể rằng: Thuở xưa, có một cậu bé tên là Thamabal con của một gia đình Phú hộ, Thamabal rất thông minh và tuấn tú. Lúc bấy giờ Thamabal đã biết đem sự hiểu biết của mình đi truyền bá tư tưởng đạo lý cho mọi người. Ai có điều gì thắc mắc trong cuộc sống thường được chàng lý giải một cách rõ ràng thỏa đáng. Dân chúng thán phục và rất thích nghe Thamabal thuyết giảng. Tiếng đồn về tài trí của Thamabal ngày càng lan rộng đến tận thượng giới. Các vị thần cũng xuống trần để nghe Thamabal thuyết giảng. Do vậy, những buổi thuyết giảng của thần Kabill Maha Prum trên thượng giới ngày càng vắng vẻ.
     Thần Kabill Maha Prum nghe được mọi chuyện lấy làm tức giận, cho gọi hết các vị thần trở về, cấm không cho xuống trần gian nghe thuyết giảng. Đồng thời, thần tìm cách hãm hại Thamabal. Một hôm, trong lúc Thamabal đang thuyết giảng cho dân chúng nghe, Thần xuất hiện với vẻ giận dữ và nói rằng: “Ta là Kabill Maha Prum, chắc nhà ngươi đã hiểu uy lực của ta từ lâu, ta nghe đồn nhà ngươi thông minh xuất chúng, nhưng ta không tin vào điều đó. Nay ta đặt cho ngươi ba câu đố, nếu nhà ngươi giải đáp đúng thì ta bằng lòng cắt đầu tự sát, nhường cõi thế này lại cho nhà ngươi. Còn nếu không giải đáp được thì ngươi phải dâng mạng sống của ngươi cho ta. Kỳ hạn đánh cuộc của chúng ta là 7 ngày, và tất cả dân chúng có mặt hôm nay đều là chứng nhân”. Không đợi Thamabal phản ứng, Kabil Maha Prum dõng dạc nói: Ngươi hãy cho Ta biết: Buổi sáng cái duyên của con người nằm ở đâu? Buổi trưa cái duyên của con người nằm ở đâu? Buổi tối cái duyên của con người nằm ở đâu? Phải chỉ cho rõ?
     Nói xong Maha Prum đắc chí cười ha hả rồi bay về trời, để lại sự hãi hùng cho dâng chúng và Thamabal.
Thamabal vừa suy nghĩ vừa lo sợ sẽ bị mất mạng vì không thể giải đáp đúng kỳ hạn ba vấn đề bí hiểm đó. Kể từ đó, cậu bé ăn không ngon, ngủ không yên, cứ một ngày trôi qua là như thêm một hòn đá đè nặng lên tâm trí. Và rồi đến ngày cuối cùng, Thamabal rối trí, đi lang thang từ sáng đến trưa, đi mãi đi mãi, đi sâu vào rừng lúc nào không biết, nhưng vẫn không tìm được câu trả lời, quá mệt mỏi, thất vọng, cậu bé nằm nghỉ dưới góc cây thốt nốt.
     Lúc này, trên cây thốt nốt có hai con chim đại bàng đang nói chuyện với nhau. Chim mái hỏi chim trống: Hôm nay ta đi ăn ở đâu? Chim trống đáp: Hôm nay vợ chồng ta sẽ được xơi thịt Thamabal. Chim mái ngạc nhiên: Tại sao? Vì hôm nay là ngày cuối Thamabal phải giải đáp ba vấn đề bí của Kabil Maha Prum. Chim mái tò mò hỏi: Ba vấn đề ấy, là ba vấn đề gì? Nó bí ẩn thế nào mình có rõ không? Chim trống đáp: Anh cũng đã có dịp được nghe Đức Phật Ka Sóp hồi còn sanh thời đã từng giải thích rằng: Buổi sáng cái duyên của con người ở trên mặt, nên ngủ dậy con người phải rửa mặt cho tươi tắn. Buổi trưa cái duyên con người nằm ở ngực, nên khi cảm thấy nóng nực con người dùng nước để tắm mát. Buổi tối cái duyên con người nằm ở dưới đôi chân, nên người ta thường rửa chân sạch trước khi đi ngủ.
     Thamabal nghe nói mừng rỡ, đứng bật lên và chạy ra khởi khu rừng, chạy đến đám đông dân chúng đứng trước mặt Kabil Maha Prum. Kỳ hạn 7 ngày đã đến, Kabil Maha Prum hạ trần cùng với chư thần tùy tùng rầm rộ, tay cầm kiếm vàng, mặt đầy oai phong sát khí, vừa thấy Thamabal, Maha Prum hỏi ngay: Thế nào Thamabal? Thamabal ung dung giải đáp theo đúng nội dung câu chuyện mà mình đã nghe được của vợ chồng đôi chim đại bàng. Maha Prum vô cùng kinh ngạc khi nghe xong câu thứ nhất và sợ hãi khi Thamabal đáp dứt câu thứ ba.
     Thần Kabil Maha Prum chấp nhận thua cuộc ngửa mặt lên trời và gọi bảy nàng con gái xuống trần căn dặn: Cha đã thua trí Thamabal, theo lời hứa cha phải chết. Các con hãy lấy khay vàng đựng đầu của cha đem về đặt tại hang Thủy tinh Thamamialy nơi núi Kailas trong dãy núi Hy Mã Lạp Sơn, nơi người trần không chạm đến được. Các con hãy cẩn thận, nếu để đầu cha rơi xuống biển thì biển sẽ cạn, nếu để đầu cha tung lên không trung thì trời không có mưa và nếu để đầu của cha trên mặt đất thì đất sẽ khô cằn, cỏ cây không mọc được. Dặn dò xong, Kabil Maha Prum liền rút gươm vàng tự cắt đầu mình.
     Từ đó về sau, để nhắc nhở cho mọi người biết đến câu chuyện này, mỗi năm đúng vào ngày thần Kabil Maha Prum tự sát, bảy cô gái xuống trần, vào hang bưng mâm đầu lâu của cha đến núi Tudi, rồi đi vòng quanh chân núi ba lần theo hướng mặt trời mọc. Mỗi năm một cô bưng mâm đầu lâu một lần, nên tùy theo tính chất của cô tiên nữ bưng mâm, mà ta biết được năm đó xấu hay tốt.
Giới Phật giáo tạo ra huyền thoại trên đây với dụng ý Phật pháp là vô định đã làm cho tôn giáo khác suy yếu và đánh dấu mốc thời gian Phật giáo đi vào xã hội Khmer vào khoảng thế kỷ 13. Thay vì rước đầu lâu, người Khmer vào ngày đầu của năm mới ở những địa phương không tạo ra được đầu thần Kabil Maha Prum (thần bốn mặt) nên đã thay thế bằng cuốn lịch năm mới (Đại lịch) mà người Khmer gọi là Maha Sâng Kran. Nghi thức rước Maha Sâng Kran đi vòng quanh chánh điện ba lần theo như huyền thoại và đó cũng là tập tục của người Khmer trong ngày đầu của Chôl Chnăm Thmây. Tuy nhiên, về ý nghĩa và nghi thức cũng được thực hiện theo như huyền thoại còn lý do tại sao lại có sự thay thế như vậy thì chưa có lời giải thích nào cụ thể.
     Theo thường lệ hằng năm gần đến ngày tết Chôl Chnăm Thmây khắp phum sóc phải nhộn nhịp hẳn lên. Người ta chuẩn bị mọi thứ để đón mừng lễ tết, trong đó bao gồm cả vấn đề ăn, mặc, trang trí nhà cửa, mua sắp quần áo, sửa sang đường sá, cầu cống. Đặc biệt là việc chuẩn bị đón tết Chôl Chnăm Thmây ở các chùa. Cận ngày tết Chôl Chnăm Thmây, đi vào phum, sóc, các chùa và các gia đình, đâu đâu cũng thấy mọi người chuẩn bị các thứ cho dịp lễ. Tùy theo hoàn cảnh và điều kiện kinh tế của địa phương và gia đình, họ chuẩn bị với quy mô và mức độ khác nhau. Trên các con đường vào phum, sóc đường chùa và từng nhà đều được dọn dẹp sạch sẽ. Có nơi ở các cổng chào còn được người ta trang trí cờ hoa rực rỡ, kèm các khẩu hiệu chúc mừng năm mới…Ở từng ngôi chùa các vị sư và tín đồ làm vệ sinh từ ngoài cổng cho đến sân chùa và trong các ngôi chánh điện, Sala…Ở từng gia đình, đồng bào sơn cửa, quét vôi tường, trang trí cổng nhà bằng nhiều màu sắc. Trong từng nhà, đồng bào thường trang trí và sắp xếp bánh trái, bông hoa đẹp đặt trên bàn thờ phật và bàn thờ ông bà. Ngoài việc sắp xếp bông để đón vị thần năm mới theo quan niệm của đồng bào dân tộc Khmer, người ta còn quan tâm đến việc mua sắp quần áo mới cho mọi người. Đồng thời chuẩn bị gạo nếp xay bột, đậu các loại, lá chuối, lá dừa, tìm kiếm dây nhợ, củi đuốt…để làm các loại bánh trái. Trong những ngày lễ Chôl Chnăm Thmây, ta thường gặp các loại bánh mà đồng bào hay làm như: Man Chruk (bánh tét), Num tean (bánh ít), Num knhây (bánh gừng)…Các loại bánh này được làm trước lễ tết một hai ngày để dành cúng, đi chùa và tiếp khách trong mấy ngày lễ tại nhà. Thời gian tiến hành lễ đúng theo tập tục từ xưa đến nay là ba hoặc bốn ngày đêm. Trước đây, có nơi tổ chức kéo dài từ một đến hai tuần nhưng hiện nay, xu hướng chung là làm ba ngày. Trong ba hoặc bốn ngày ba đêm đó, mọi công việc ruộng rẫy đều dừng lại, người ở giúp việc trong nhà cũng được nghỉ ngơi và vui chơi giải trí. Những người ở xa gia đình đều trở về sum hợp với gia đình trong ba ngày tết. Mọi người mặt đẹp, ăn nói và cư xử với nhau một cách lịch sự. Ba ngày Chôl Chnăm Thmây, đồng bào dân tộc Khmer rất kiêng cử việc cãi vã, chửi mắng nhau. Kể cả trâu bò trong gia đình đều được cho nghỉ ngơi.
     Đêm đầu tiên (Chôl Chnăm chăs, tức đêm 12 hoặc 13 tháng 4 dương lịch), mọi người tắm rửa sạch sẽ, mặt quần áo đẹp, đem theo nhan đèn, lễ vật đi chùa. Ở các chùa, người ta tổ chức tụng kinh, rắc nước có hương thơm ở các khu vực cần thiết. Việc làm này, được đồng bào quan niệm như là hình thức tiễn đưa vị thần năm cũ; đồng thời còn có ý nghĩa như là để xua đuổi tà ma quỷ quái, tẩy rữa sạch sẽ những xui xẻo, ô uế và những lỗi lầm của năm cũ đã qua. Và đó là cách làm trong sạch về mặt tinh thần để đón vị thần năm mới một cách trang trọng nhất, tỏ thái độ cung kính đối với ông bà cha mẹ. Qua việc đó, đồng bào cũng thể hiện ước nguyện cầu mong vị thần năm mới và những người khuất mặt phù hộ, độ trì, giúp cho việc làm ăn phát đạt, mọi sinh hoạt gặp may mắn…
     Ngày thứ nhất (hiện nay ngày đầu của năm thường được tính chính xác là 13 tháng 4 dương lịch, còn năm nhuận thì nhằm ngày 14 tháng 4 dương lịch) con cái tổ chức đi thăm và dâng quà, bánh trái cho ông bà, cha mẹ, người thân hoặc những người có ân đức với mình. Qua đêm tiễn đưa năm cũ, sang hôm sau tổ chức “Rước năm mới”. Công việc đầu tiên của đồng bào tổ chức rước Mahasoongkran (tức cuốn đại nông lịch Khmer). Lúc tổ chức rước, cuốn đại nông lịch được đặt trên chiếc khay đội lên đầu, mọi người sắp xếp lại thành đoàn và di tuần hành ba vòng xung quanh ngôi chánh điện tụng kinh đón chờ thời điểm rước vị thần năm mới. Xong lễ rước năm mới, những người lớn tuổi ngồi nghe các vị sư thuyết pháp. Nội dung thuyết pháp trong dịp này là kể về thân thế và sự nghiệp của Đức Phật Thích Ca và các vị sư tụng kinh chúc mừng năm mới. Còn thanh niên nam nữ thì tổ chức các trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt, đá gà, Chôl Chhung hoặc chơi các môn thể thao khác như nhảy bao, đánh bóng chuyền…
     Ngày thứ hai (gọi là ngày Vonabot, năm nhuận 2 ngày, năm thường một ngày) đồng bào tổ chức dâng cơm sáng và trưa cho các vị sư, Trước khi độ cơm, các vị sư tụng kinh làm lễ tạ ơn những người đã làm ra vật thực và cũng để đưa vật thực đến các linh hồn ông bà đã quá cố. Sau khi độ xong, các vị sư lại tụng kinh phúc cho thí chủ. Tất cả những vật thực do lòng thành kính mang đến dù ngon hay dở, các vị sư cũng phải độ một chút cho là nhận lễ. Trưa hôm đó, người lớn tổ chức bốc thăm theo quy định để các nhà sư thuyết pháp. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Khmer, mục đích bốc thăm nghe thuyết pháp là góp phần đoán trước sự may rủi trong năm. Riêng lớp trẻ thì tổ chức vui chơi văn nghệ như múa Romvong, hát Aday đối đáp, chơi Chhay dăm hoặc xem Rôbăm, Dù kê, phim ảnh…Cũng trong ngày này, đồng bào tổ chức lễ đắp núi cát hoặc núi lúa xung quanh ngôi chánh điện. Các vị Acha hướng dẫn cho bà con đắp thành những ngọn núi nhỏ ở tám hướng. Những núi này tượng trưng cho vũ trụ, mỗi núi một hướng và núi thứ chín ở giữa tức núi sômerum trung tâm của Trái Đất (mặt khác các ngọn núi còn là biểu tượng trong ước mơ cầu cho năm mới trở nên giàu có, của cải chất cao như núi). Buổi chiều, họ tổ chức quy y cho các mô hình núi. Sáng hôm sau thì làm lễ xuất thế cho các ngọn núi đó. Tất cả các nghi lễ này được lưu truyền và giữ gìn theo phật giáo gọi là Anisoong pun phum khsach (phước duyên đáp núi cát). Tập tục này cũng theo một sự tích khác, có từ lâu đời. Sự tích kể về một người làm nghề săn bắn, từ trẻ đến già đã giết nhiều thú nhưng nhờ dâng cơm cho các vị sư đi khất thực nên ông được một nhà sư hướng dẫn tích phước bằng cách đắp núi cát trong một ngôi chùa gần nơi ông ở. Về già, ông đau yếu luôn. Ông luôn bị ám ảnh bởi nghề nghiệp, thấy các bầy thú hung hăng đến đòi nợ oan nghiệt. Nhờ phước đức đã từng đắp núi cát, ông tỉnh táo bảo với bầy thú rằng: cứ đi đếm hết những hạt cát mà ông đã đắp rồi hãy lên đòi nợ ông,
    Bọn thú đồng ý, cùng nhau đi đếm cát nhưng không tài nào đếm hết. Chán ngán chúng kéo nhau đi và người thợ săn cũng hết bệnh. Từ đó, ông cố gắng tích đức làm việc thiện cho đến khi chết. Sau khi chết, ông được lên cõi Tiên. Do sự tích này, mà đồng bào Khmer vẫn giữ tập tục đắp núi cát cho đến ngày nay.
    Ngày thứ ba (ngày Lơng săk) sau khi dâng cơm sáng và trưa cho các vị sư, người ta đem nước ướp hương thơm cùng với nhan đèn đến đền thờ Phật làm lễ tắm tượng Phật. Kế tiếp là tắm cho các sư sãi cao niên. Ở từng gia đình người ta cũng tổ chức tắm rữa cho ông bà, cha mẹ và thay bộ quần áo mới do con cái hiến dâng…Mục đích việc làm rửa tay này, theo quan niệm của đồng bào là để tẩy rửa mọi ô uế bụi trần của năm cũ và hạnh phúc, chúc thọ cho những người lớn tuổi. Xong nghi thức lễ tại chùa, người ta mời sư sãi đến các ngôi tháp dựng hài cốt, hoặc đến các nghĩa trang, mộ để làm lễ cầu siêu (băng skôl) cho vong linh những người quá cố. Riêng từng gia đình thì tổ chức đắp mộ cho ông bà, cha mẹ hoặc những người thân đã qua đời và mời các vị sư đến đọc kinh cầu siêu để kết thúc lễ.
    Tết Chôl Chnăm Thmây được tổ chức vào giai đoạn kết thúc mùa nắng, là thời kỳ đa số nông dân đều rảnh việc (theo quan niệm sản xuất một vụ mùa lúa trước đây). Đó là thời gian nhằm tạo điều kiện đồng bào còn có dịp vui chơi giải trí, sau một năm làm lụng vất vã. Đồng thời cũng là công tác chuẩn bị cho vụ mùa mới.
     Ý nghĩa của nó, không chỉ thể hiện quan niện của đồng bào Khmer về chu kỳ chuyển vận của một năm, lấy mùa mưa làm mốc để đánh dấu thời gian mà còn nhằm giáo dục con người về tấm lòng hiếu thảo, ước mơ hạnh phúc, về ý thức hướng thiện và lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ và những người có công đã qua đời.
     Những năm qua, bên cạnh sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền, sự chung tay góp sức của toàn xã hội, còn có sự cố gắng vươn lên của các hộ nghèo, đã thúc đẩy bộ mặt khu dân cư vùng đồng bào Khmer Sóc Trăng có nhiều khởi sắc, đời sống của bà con từng bước được cải thiện nâng cao cả đời sống vật chất lẫn tinh thần. Trong lĩnh vực văn hóa luôn được quan tâm, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mà các ngày lễ hội là một điển hình tiêu biểu. Tết Chôl Chnăm Thmây đã và đang là một ngày lễ truyền thống đặc trưng cho đồng bào dân tộc Khmer vừa mang tính truyền thống lại rất nhân văn sâu sắc. 

Tác giả bài viết: Lưu Diễm Trang

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn