12:19 +07 Thứ ba, 16/04/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
Học viện hành chính
HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN
Học viện Chính trị khu vực IV
Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam
Trang thông tinh điện tử Đảng bộ tỉnh Sóc trăng
SocTrang.gov.vn
csdl.thutuchanhchinh.vn/
Biển và Hải đảo Việt Nam

Trang nhất » Tin Tức » Tin tức - sự kiện » Bản tin

Đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ nữ trong thời gian tới

Thứ tư - 09/03/2016 15:25
TCCSĐT - Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Phụ nữ là một lực lượng lao động rất quan trọng. Các cấp lãnh đạo phải quan tâm hơn nữa về công tác phụ nữ và chú ý hơn nữa đào tạo cán bộ, phát triển đảng viên và đoàn viên phụ nữ”(1).

     Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác giáo dục, đào tạo, phát triển cán bộ, đảng viên cho Đảng, cho đất nước. Vì theo Người, đội ngũ cán bộ, đảng viên là hạt nhân quan trọng, nhân tố quyết định đến sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, sự trường tồn vinh quang của Đảng. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dày công đào tạo và nhắc nhở Đảng, Nhà nước, Chính phủ phải thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ. Người yêu cầu, đào tạo cán bộ phải đi trước một bước, vì theo Người: cán bộ là gốc của mọi công việc và huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. 

     Nhận thấy vai trò to lớn của “một nửa thế giới”, nhấn mạnh đến công tác đào tạo cán bộ nữ cho Đảng, cho Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Từ trước đến nay phụ nữ Việt Nam ta đã có nhiều đóng góp cho cách mạng, phụ nữ ta rất đáng kính, phụ nữ ta có nhiều tiến bộ. Nhưng Đảng, Chính phủ và Bác còn mong phụ nữ tiến bộ nhiều hơn nữa. Hiện nay trong các ngành, số phụ nữ tham gia còn ít. Đảng và Chính phủ rất hoan nghênh, sẵn sàng cất nhắc và giao cho phụ nữ những chức trách quan trọng”.

     Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã luôn quan tâm và chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ để cán bộ nữ phát triển tư duy lãnh đạo, có tầm nhìn xa, tinh thần thượng tôn pháp luật, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao. 

     Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học nữ có trình độ cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ quan trọng đã được xác định trong Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị. Nghị quyết ghi rõ: Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới.

     Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các đề án dành riêng cho phụ nữ: Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015”; Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” giai đoạn 2010 - 2015; Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” giai đoạn 2010 - 2015; Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp” giai đoạn 2013 - 2017; Đề án “Cấp Báo Phụ nữ Việt Nam không thu tiền cho Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, Chi hội phụ nữ các xã đặc biệt khó khăn, Chi hội phụ nữ thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc xã vùng II”. Cùng với đó, vấn đề lồng ghép bình đẳng giới trong luật pháp được Quốc hội rất quan tâm. Luật Bầu cử Quốc hội (sửa đổi) quy định tỷ lệ người ứng cử có ít nhất 35% là nữ, trước đây Luật chỉ quy định dành tỷ lệ thích đáng người ứng cử là nữ. Luật Bảo hiểm xã hội đã có quy định cán bộ nữ ở cơ sở 55 tuổi chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội 15 năm là được hưởng chế độ hưu trí, trước đây quy định là 20 năm. Đặc biệt, Hiến pháp 2013 có một điều quy định về bình đẳng giới: Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt; Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới. Nhìn chung, công tác phụ nữ nói chung và đào tạo cán bộ nữ nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực, cụ thể: 

     Một là, công tác quy hoạch cán bộ nữ được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương chú trọng hơn. Trong quá trình quy hoạch cán bộ nữ, Đảng ta luôn quán triệt tinh thần dân chủ, lựa chọn và ưu tiên cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số, đồng bào miền núi, biên giới. Do đó đã tạo ra lực lượng cán bộ nữ kế cận, kế tiếp dồi dào, khắc phục dần dần tình trạng hụt hẫng, thiếu nguồn cán bộ nữ ở một số ngành, lĩnh vực. 

     Hai là, công tác giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nữ đã được Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương quan tâm hơn. Phụ nữ được tạo điều kiện tối đa về thời gian, cơ sở vật chất đào tạo, có nhiều hình thức học tập phù hợp để phụ nữ tham gia. Việc học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ đã trở thành nhu cầu bức xúc và tạo được ý thức tự giác trong đội ngũ cán bộ nữ.

     Ba là, Đảng, Nhà nước đã quan tâm nhiều hơn đến chính sách cán bộ nữ, nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phụ nữ và cán bộ nữ được triển khai đồng bộ, trong đó có nhiều chính sách khuyến khích cán bộ, công chức nữ tham gia học tập, nâng cao trình độ, phấn đấu trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý.

     Bốn là, công tác bố trí, sử dụng cán bộ nữ luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm sát sao, việc nhận xét, đánh giá cán bộ nữ ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất hơn. Quy trình đánh giá luôn được thực hiện nghiêm túc, dân chủ, chặt chẽ, chú trọng tự phê bình và phê bình gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. 

     Trong tổng số 1.510 đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng thì có 194 đại biểu là nữ, chiếm 12,85%. Thực tiễn cho thấy, nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XI (2011 - 2016) có 3 nữ ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII có 276 người ứng cử là phụ nữ tỷ lệ 38,60%, kết quả có 127 đại biểu Quốc hội là phụ nữ, chiếm tỷ lệ 25,8%. Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2004 - 2009: ở cấp tỉnh có 918 người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ, tỷ lệ 23,80%; ở cấp huyện có 5.448 người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ, tỷ lệ 23,22%; ở cấp xã có 55.968 người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ, tỷ lệ 20,1%.

     Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2010 - 2016: có 293 người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ tỷ lệ 33,29 %, kết quả có 122 người trúng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ, chiếm tỷ lệ 24,40%. Có 2052 người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là phụ nữ, chiếm tỷ lệ 34,4%, kết quả có 1.921 người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là phụ nữ, tỷ lệ 25,31%. Dự kiến bầu cử quốc hội khóa XIV (2016 - 2021) phấn đấu tỷ lệ đại biểu là cán bộ nữ đạt 35%. Có được những thành tích đó phần lớn là do công tác giác ngộ, giáo dục, đào tạo phụ nữ và cán bộ nữ của đảng, các đảng viên và các cấp chính quyền địa phương. 

     Tuy nhiên, trong thời gian một vài năm gần đây, công tác phụ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng vẫn gặp phải nhiều rào cản bất cập, ảnh hưởng lớn đến chất lượng công tác cán bộ nữ như: 

     Nhận thức của một số cấp lãnh đạo chưa đầy đủ, thậm chí quan niệm hoàn toàn sai lệch về bình đẳng giới và công tác phụ nữ; nhiều địa phương, các cấp, các ngành chưa thật sự quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ nữ; hệ thống văn bản pháp luật chưa đồng bộ, chưa có một số chính sách đặc thù cho một số đối tượng, nhất là chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ trẻ; công tác cán bộ nữ còn nhiều khó khăn. Thực tế đã diễn ra tình trạng một số chỉ tiêu về tỷ lệ nữ lãnh đạo nhiều nhiệm kỳ chưa đạt và có xu hướng giảm, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội mấy nhiệm kỳ qua có xu hướng giảm, chưa đạt chỉ tiêu 30%, nhiệm kỳ Quốc hội khóa X là 26%, khóa XI là 27,31%, khóa XII là 25,76%, khóa XIII là 24,4%.

     Để thực hiện xây dựng đội ngũ cán bộ nữ theo tinh thần nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhằm tăng cường sự tham gia của cán bộ, công chức nữ trong các vị trí lãnh đạo, xin đề xuất một số giải pháp như sau:

     Một là, nâng cao nhận thức, quan điểm về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ trong thời kỳ mới

     Nhận thức của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, các địa phương về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình thực hiện đề án đào tạo cán bộ nữ hiện nay. Thực tế cho thấy, chất lượng và số lượng của đội ngũ cán bộ nữ trong các cấp, các ngành, chính quyền địa phương phụ thuộc rất lớn vào trình độ nhận thức của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Hiện nay, không ít tổ chức, cá nhân trong các cấp, các ngành có những quan điểm sai lệch, lạc hậu về vấn đề phụ nữ và công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ nữ. Những quan điểm đó tồn tại trong một thời gian dài đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực thi đường lối, chính sách của Đảng về đào tạo và sử dụng cán bộ nữ, làm cản trở sự phát triển của lực lượng cán bộ là nữ trong các cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là các cơ quan Trung ương. Vì vậy, thay đổi quan điểm và nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân mà trọng tâm là những người đứng đầu các cơ quan đơn vị là đặc biệt cần thiết. 

     Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra trong thực hiện triển khai công tác cán bộ nữ

     Trong “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân, có đoạn Người viết: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”(2). Chủ tịch Hồ Chí Minh còn yêu cầu: Đảng bộ và chính quyền các địa phương cần thiết thực giúp đỡ cho phong trào phụ nữ không ngừng tiến lên, để phụ nữ đóng góp vào việc thực hiện kế hoạch của Nhà nước. Đảng phải có chủ trương, chính sách lãnh đạo đúng, phù hợp với đặc điểm của từng thành phần, tầng lớp phụ nữ trong xã hội. Các ngành có những hành động mạnh mẽ, quyết liệt để tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ nữ bảo đảm số lượng, chất lượng, coi đây là một nhiệm vụ chiến lược trong công tác cán bộ của Đảng; “Các cấp lãnh đạo phải quan tâm hơn nữa về công tác phụ nữ và chú ý hơn nữa đào tạo cán bộ, phát triển đảng viên và đoàn viên phụ nữ”(3). Để thực hiện được biện pháp này đòi hỏi Đảng phải thường xuyên tự chỉnh đốn, đổi mới, cán bộ đảng viên phải gương mẫu, nhất là đối với những người trực tiếp tiến hành và phụ trách công tác phụ nữ. Các cấp chính quyền phải thường xuyên lấy ý kiến và lắng nghe ý kiến của nhân dân, trong đó tiếng nói của phụ nữ góp phần rất quan trọng để các cấp chính quyền thấu hiểu, từ đó tạo ra cơ chế, chính sách, hỗ trợ và khuyến khích phụ nữ phát triển, tạo điều kiện cho công tác phát triển nguồn cán bộ nữ. 

     Ba là, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khâu trong công tác cán bộ nữ 

     Về đánh giá cán bộ nữ, cần chú ý đánh giá về triển vọng phát triển, khả năng đảm đương nhiệm vụ của cán bộ nữ. Tránh bố trí chỉ vì để bảo đảm cơ cấu mà không quan tâm đến chuyên môn, sở trường làm ảnh hưởng đến chất lượng, khả năng của cán bộ nữ.

     Về quy hoạch, cấp ủy không phê duyệt quy hoạch đối với các địa phương, đơn vị chưa bảo đảm tỷ lệ nữ và những nơi đưa cán bộ nữ vào quy hoạch hình thức, không có tính khả thi. Việc đánh giá, rà soát quy hoạch hằng năm cần phải chú ý tỷ lệ cán bộ nữ, kịp thời bổ sung cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn vào quy hoạch.

     Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ cần được đẩy mạnh, trong chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần quan tâm đến cán bộ nữ. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với quy hoạch và bố trí, sử dụng cán bộ nữ sau này. Tiến hành điều tra cơ bản đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ để xác định rõ những hạn chế, yếu kém, trên cơ sở đó phân định trình độ và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp.

     Luân chuyển cán bộ nữ cần được chú trọng. Tạo điều kiện cho họ có trong quy hoạch, được rèn luyện trong thực tiễn, cọ sát cơ sở, bộc lộ tài năng, khắc phục tình trạng khép kín, tạo sự đồng đều về chất lượng cán bộ từng cấp. Phải căn cứ vào năng lực, sở trường của từng cán bộ nữ, nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị, dự kiến bố trí cán bộ sau luân chuyển để lựa chọn cán bộ, địa bàn luân chuyển cho phù hợp.

     Quan tâm đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ nữ ứng cử giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Quan tâm đến cán bộ nữ cần phải có bước chuẩn bị lâu dài từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng. 

     Xây dựng cơ chế, chính sách đối với cán bộ nữ, bảo đảm cho người phụ nữ có cơ hội ngang bằng với nam giới trong tham chính ở các cấp. Vì vậy, các cấp ủy và chính quyền cần có cơ chế, chế độ, chính sách phù hợp cho cán bộ nữ.

     Bốn là, phát huy vai trò của Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ và Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ 

      Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp cần chủ động, tích cực tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ nữ, xây dựng mạng lưới cán bộ nữ từ Trung ương đến địa phương. Chủ động phối hợp với các cơ quan tham mưu cho Đảng và Nhà nước xây dựng Đề án đào tạo dành riêng cho cán bộ nữ. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất về phương hướng, biện pháp để giải quyết những vấn đề liên ngành liên quan đến phụ nữ; các vấn đề về công tác cán bộ nữ, phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu nguồn cán bộ nữ có chất lượng cho Đảng; tham gia có hiệu quả vào công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ nữ ở các cấp.

    Năm là, phát huy vai trò của chính chị em phụ nữ

    Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn tất cả mọi điều chính là bản thân chị em phụ nữ phải tự phấn đấu vươn lên để thoát khỏi tâm lý tự ti, bó hẹp để giải phóng chính mình và giới mình, góp công sức, trí tuệ của mình trong xây dựng đất nước. Trong “Bài nói tại hội nghị cán bộ dự thảo luật hôn nhân và gia đình”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh”(4). Muốn làm được điều đó thì Phụ nữ các tầng lớp phải đoàn kết chặt chẽ, cố gắng học tập, giác ngộ chính trị, yêu chuộng lao động, quý trọng của công, thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Ngoài những việc đó, phụ nữ nông dân cần hăng hái tham gia vận động giảm tô và cải cách ruộng đất. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặt ra yêu cầu cao đối với phụ nữ trong việc học tập để nâng cao trình độ, nhận thức trong mọi lĩnh vực của đời sống, Người cho rằng đó là chìa khóa của sự nghiệp giải phóng phụ nữ, vì không có kiến thức, không nhận biết được pháp luật và quyền lợi của giới mình thì sẽ không tự giải phóng mình được. Ngoài việc học tập, phụ nữ phải thi đua lao động sản xuất, tiết kiệm để xây dựng đất nước, xây dựng gia đình, phụ nữ cần phải phát huy lực lượng của mình để sản xuất nhiều, sản xuất tốt. 

     Tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo cán bộ nữ là nội dung quan trọng trong hệ thống tư tưởng của Người nói chung và công tác cán bộ nói riêng, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc không chỉ trong cách mạng giải phóng dân tộc trước kia mà còn có ý nghĩa lớn lao trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Học tập, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo cán bộ nữ thời kỳ hiện nay là việc làm hết sức quan trọng, đặt ra nhiều vấn đề bức thiết về mặt lý luận cũng như thực tiễn cho Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, làm cơ sở để hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung và đào tạo cán bộ nữ nói riêng./.
---------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tập 14, tr.231
(2) Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tập 15, tr.617
(3) Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tập 11, tr.493
(4) Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tập 11, tr.493
(5) Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tập 15, tr. 275

                           Đại úy Trần Quốc Cường Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh
                                       Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

 

Nguồn tin: www.tapchicongsan.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn